Trong phần 1 chúng ta đã phân tích việc thực hành lãnh đạo thường dẫn đến những thay đổi về sinh học giống như một cá nhân gặp căng thẳng (stress). Nếu những dấu hiệu gây căng thẳng ở lãnh đạo không được quan tâm kịp thời và thỏa đáng sẽ có thể dẫn đến trầm cảm, ảnh hưởng rất lớn không chỉ đến đời sống cá nhân của nhà lãnh đạo, gia đình mà cả những người họ đang chịu trách nhiệm dẫn dắt. 8 giải pháp dưới đây có thể hữu ích dành cho bất kì ai đang thực hiện vai trò lãnh đạo hoặc mong muốn hướng đến vai trò này để phát triển bản thân.
- Tìm kiếm mạng lưới hỗ trợ
Vị trí tư vấn, cố vấn như một công việc chính thức đã và đang rất phát triển tại nhiều nước châu Âu vì ngày càng nhiều người nhận thức được tầm quan trọng của những công việc này đối với sự phát triển của tổ chức cũng như của cá nhân. Hiện nay, các tổ chức về tư vấn, huấn luyện, hỗ trợ lãnh đạo, doanh nghiệp tại Việt Nam đang có dấu hiệu phát triển, điều này cho thấy xã hội nước ta bắt đầu có những nhìn nhận đúng đắn về những thách thức trong môi trường công việc mà tổ chức, cá nhân có thể sẽ gặp phải cũng như thấy được hiệu quả hỗ trợ của công việc đào tạo, tư vấn, cố vấn… đối với các thách thức đó. Tuy nhiên, để tìm được mạng lưới hỗ trợ chất lượng, giúp giải tỏa căng thẳng, khám phá nội lực, đồng hành phát triển không phải là điều dễ dàng bởi chưa có một quy chuẩn đồng nhất hoặc tiêu chí kiểm soát chất lượng đối với công việc này.
Để tìm được nguồn hỗ trợ đáng tin cậy, mỗi người cần chủ động tham gia vào các nhóm có liên quan đến lĩnh vực, công việc hoặc vấn đề đang gặp phải. Việc dành thời gian quan sát và tìm hiểu sẽ tạo sự kết nối và tin tưởng, giúp bạn chủ động chia sẻ cũng như nhận được sự hỗ trợ cần thiết. Những thông tin liên quan về vấn đề này trên website Tamlylanhdao.com được tổng hợp một cách khoa học có thể là một trong những nguồn tham khảo tin cậy dành cho bạn.
- Trao quyền – giao trách nhiệm
Trao quyền có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong bất kỳ tổ chức nào dù là hành chính công hay tư nhân, doanh nghiệp kinh doanh hay tổ chức hoạt động xã hội. Trao quyền – giao trách nhiệm không chỉ mang ý nghĩa là tiền đề cơ bản để phát triển con người mà còn góp phần rất lớn vào việc giảm căng thẳng trong môi trường làm việc. Muốn thực hiện trao quyền hiệu quả bắt buộc trước tiên phải thực hiện quá trình đào tạo cũng như cố vấn sau khi trao quyền. Trong hoạt động của doanh nghiệp, trao quyền được hiểu là cho phép nhân viên được tham gia vào quá trình ra quyết định và trao nguồn lực để họ chủ động thực hiện công việc.
Bên cạnh đó, hãy chỉ trao quyền – giao nhiệm vụ cho những người bạn tin tưởng. Nhà truyền giáo người Anh – Henry Drummond từng nói: “Nếu suy nghĩ một chút, bạn sẽ nhận ra người ảnh hưởng đến bạn là người tin vào bạn”. Rõ ràng bạn khó có thể yên tâm khi đề bạt hoặc giao việc cho người mình không tin tưởng. Niềm tin không chỉ giúp bạn yên tâm mà còn ảnh hưởng tích cực đến người nhận nhiệm vụ từ bạn, giúp họ có them động lực để nỗ lực hết mình.
- Thiết lập ranh giới rõ ràng giữa làm việc và nghỉ ngơi
Không ít người vì muốn thể hiện tinh thần cầu tiến, lăn xả trong công việc mà sẵn sàng “say yes” với mọi công việc được đề nghị, thậm chí mang việc về nhà, để công việc ảnh hưởng đến nhiều mối quan hệ cá nhân. Đối với những dự án quan trọng, cấp bách, hành động này được khuyến khích nhưng về lâu dài chắc chắn sẽ khiến cá nhân bị ngập trong công việc, cảm thấy quá tải, mất cân bằng. Để tránh rơi vào trường hợp đó, bạn cần biết cách thiết lập ranh giới rõ ràng giữa thời gian dành cho công việc và ngoài công, giữa làm việc và nghỉ ngơi cũng như biết cách từ chối những yêu cầu không liên quan, nằm ngoài khả năng của bạn. Điều này có thể sẽ rất khó khăn lúc đầu, bạn nên đặt ra những kỷ luật nhất định cho bạn thân, những trường hợp nào được xem là ngoại lệ và cần khéo léo trong giao tiếp cũng như rạch ròi giữa công việc và mối quan hệ để tránh làm phật lòng người khác.
- Đặt mục tiêu phù hợp với thực tế, đánh giá lại các kỳ vọng
Không ai hoàn hảo và bạn cũng vậy – hãy luôn nhớ đến điều này mỗi khi bạn đối mặt với căng thẳng hoặc thất bại. Bạn cần tìm kiếm các tín hiệu tích cực để thấy bản thân đang dần tốt lên mỗi ngày hoặc chí ít là những bài học kinh nghiệm để bạn có thể làm tốt hơn vào lần sau. Thay vì chìm đắm trong những cảm xúc tiêu cực, bạn cần dành thêm thời gian để nhìn lại vấn đề một cách khác quan, rút ra những gì đã làm tốt và chưa tốt để thay đổi.

Làm nhiều việc cùng một lúc hay đề ra quá nhiều mục tiêu thường sẽ gây mất tập trung và không mang lại hiệu quả cao, bạn nên ưu tiên thứ tự các công việc và dành thời gian, công sức để giải quyết một vài vấn đề trọng yếu nhất. Bên cạnh đó, thay vì lập kế hoạch dài hạn khó nhìn thấy kết quả, hãy thử chia nhỏ kế hoạch, cân đối nguồn lực thực tế với những kỳ vọng của bạn cũng như tiến từng bước một với các mục tiêu ngắn hạn, rõ ràng dễ thực hiện. Những đều này sẽ giúp bạn có những kết quả bước đầu, hình dung được hướng đi và có nhiều động lực tiếp tục với kế hoạch dài hạn.
- Dành thời gian cho sở thích cá nhân, rèn luyện sức khỏe và ngủ đủ giấc
Không phải ngẫu nhiên mà các nhà khoa học khuyến nghị chúng ta nên ngủ đủ 8 tiếng/ngày. Ngủ là hoạt động hết sức cần thiết để cơ thể được cân bằng. Trong khi ngủ cơ thể sẽ tiết ra những hormone quan trọng, tham gia vào quá trình chuyển hóa, tích lũy năng lượng cần thiết chuẩn bị cho những hoạt động tiếp theo. Một giấc ngủ đủ giúp não bộ sắp xếp thông tin một cách hệ thống, giúp trí nhớ dài hạn làm việc tốt hơn và trích xuất dữ liệu hiệu quả hơn. Cùng với giấc ngủ, vận động thể dục thể thao và các hoạt động liên quan đến sở thích cá nhân là các cách hữu hiệu để giải tỏa căng thẳng. Khi cơ thể dẻo dai, khỏe mạnh, được làm những hoạt động yêu thích sẽ tác động đến tinh thần, làm tâm trí khỏe mạnh hơn, sáng suốt hơn.
- Đi du lịch, nghỉ phép
Thông thường chúng ta hay đi du lịch vào những khoảng thời gian lễ, Tết, nghỉ hè, hoặc sau những dự án, tổng kết công việc như một phần thưởng dành cho bản thân. Một đề xuất bạn có thể xem xét là hãy làm khác so với số đông: tìm kiếm những trải nghiệm mới, đi du lịch khi cảm thấy quá căng thẳng. Bạn có thể dành phép năm hoặc những ngày nghỉ cuối tuần để thực hiện giải pháp này. Những chuyến du lịch xa hoặc gần không chỉ tạo cơ hội để mỗi người thư giãn, tìm kiếm trải nghiệm mới mà còn giúp đồng hồ sinh học được ổn định, xốc lại tinh thần để tỉnh táo hơn khi trở về với công việc. Cách đưa bản thân ra khỏi công việc khi gặp căng thẳng bằng cách đi du lịch sẽ giúp bạn tận dụng thời gian một cách hợp lý (khi không thể làm việc được thì nên nghỉ ngơi) và có thể mang lại cho bạn nhiều ý tưởng mới mẻ, phục vụ đắc lực khi bạn quay trở về với công việc. Một lưu ý đặc biệt khi thực hiện giải pháp này là bạn cần tính đến mức độ căng thẳng để lựa chọn khi nào nên nghỉ phép, du lịch là hợp lý và biết cách đặt những vấn đề công việc ra khỏi hành lý của bạn để tận hưởng trọn vẹn chuyến đi.
- Tạo không gian làm việc thoải mái, tập trung
Môi trường làm việc an toàn, thoải mái, tập trung là điều kiện quan trọng để giúp giải tỏa căng thẳng. Thực tế trong giai đoạn đại dịch covid vừa qua, những công ty sớm đề ra các biện pháp hạn chế tiếp xúc, giữ khoảng cách, lên kế hoạch làm việc từ xa, thời gian làm việc linh hoạt… đã nhận được sự hưởng ứng của nhân viên và kết quả hoạt động kinh doanh tốt hơn với các công ty bị động trước những biến đổi khó lường của dịch bệnh.
Tác động Hawthorne được biết đến với thực nghiệm nổi tiếng của Giáo sư Elton Mayo (1924) nói với chúng ta rằng việc thay đổi một số yếu tố trong môi trường làm việc gần như không có tác động đáng kể nào đến kết quả công việc mà chính động thái quan tâm đến người lao động của các cấp quản lý, lãnh đạo mới là yếu tố quyết định đến hiệu suất của các công nhân. Phát hiện của Elton Mayo hoàn toàn có cơ sở tuy nhiên nếu máy móc áp dụng quan sát này mà bỏ qua những yếu tố môi trường làm việc sẽ là một sai lầm nghiêm trọng. Thực tế hiện nay, người lao động hiện hay không chỉ sống và làm việc hiệu quả dựa vào những quan tâm, chia sẻ của ban lãnh đạo hay các khẩu hiệu khuyến khích, cổ động làm việc. Đó là lý do vì sao các tổ chức công đoàn luôn cố gắng yêu cầu môi trường làm việc tốt nhất cho người lao động. Không ít tập đoàn, công ty lớn như Google, Apple, VinaGame… luôn tìm cách cải thiện môi trường làm việc để tối ưu hóa hiệu suất lao động.
Việc tìm cách hạn chế tiếng ồn bằng tường cách âm, các loại cửa kính chống ồn, hoặc đeo tai nghe, trang trí bàn làm việc, để thêm cây xanh, cân bằng ánh sáng, độ ẩm không khí, tạo văn hóa giữ im lặng khi làm việc… là những việc làm hết sức thiết thực giúp nâng cao độ tập trung, giảm căng thẳng cũng như giúp bạn giải quyết công việc hiệu quả hơn.

- Chia sẻ cùng đồng nghiệp
Thực tế có rất nhiều cá nhân vẫn lựa chọn dứt áo ra đi dù môi trường làm việc an toàn, có cơ hội thăng tiến, chế độ phúc lợi, đãi ngộ tốt… Một trong những nguyên nhân lớn nhất ở những trường hợp này là thiếu sự gắn kết với đồng nghiệp. Việc chia sẻ với người thân, bạn bè về những vấn đề liên quan đến công việc tất nhiên sẽ mang lại một số giải tỏa nhất định tuy nhiên mặt trái của nó là tạo áp lực ngược đến người nghe (vì họ không hiểu được vấn đề bạn đang gặp phải). Sẽ hiệu quả hơn nếu bạn thử chia sẻ với đồng nghiệp _ người hiểu các vấn đề đó hoặc cũng đang gặp phải những vấn đề tương tự. Với giải pháp này, bạn cần lưu ý chia sẻ vấn đề, khó khăn một cách trung lập, hướng đến tìm kiếm giải pháp chứ không đơn thuần là than vãn hay kể khổ. Trong tâm lý học và công tác xã hội gọi cách thức này là “chia sẻ nhóm đồng đẳng”. Thông qua chia sẻ với đồng nghiệp, bạn sẽ nhận ra rằng căng thẳng không chỉ là câu chuyện của bản thân mình. Những góc nhìn khác nhau của đồng nghiệp sẽ giúp bạn có những soi chiếu khách quan, toàn diện hơn đối với căng thẳng. Đây cũng là cơ hội để mỗi người lắng nghe và giúp đỡ lẫn nhau, tạo sợi dây kết nối bền chặt giữa các cá nhân, giúp tổ chức bền chặt hơn.