Các nghiên cứu ban đầu về những người có nhu cầu cao về quyền lực hay nhiều mong muốn tác động đến người khác cho thấy rằng những nhu cầu này ảnh hưởng đến cá nhân làm thay đổi một số chỉ số cơ thể giống như họ bị căng thẳng sinh học thật sự (Robert S. Steele, 1973, 1979). Giống với trường hợp rơi vào căng thẳng, khi động cơ về quyền lực của một người được khơi dậy (vì một lý do nào đó), cơ thể sẽ phản ứng lại bằng cách tiết ra nhiều hormone Adrenaline và Noradrenaline. Sự thay đổi này sẽ làm huyết áp tăng, tập trung hơn, chú ý tốt hơn… giúp cá nhân sẵn sàng hành động. Đồng thời, Cortisol trong máu cũng sẽ tăng. Nếu quá trình này không được kiểm soát, nồng độ Cortisol liên tục được tiết ra chính là nguyên nhân gây nên sự mất tập trung, nhức đầu, cản trở quá trình học tập và tiếp thu những cái mới. Goleman cho rằng lãnh đạo về bản chất luôn hiện diện sự căng thẳng. Đây không chỉ là một trạng thái về tâm trí mà còn biểu hiện về mặt sinh học.

Một trong những điểm chung thường xuất hiện ở các cá nhân bước đầu đảm nhận vai trò lãnh đạo là cảm thấy không an toàn. Trong tác phẩm Primal Leadership, Daniel Goleman cùng các công sự phân tích cảm giác này là sự căng thẳng. Một người khi mới bước vào môi trường lãnh đạo sẽ có cảm giác bản thân đang được quan sát bằng kính hiển vi – mọi hành động đều được những người xung quanh chú ý. Điều này khiến nhà lãnh đạo có xu hướng đóng khung bản thân vào những giá trị, thành tựu đã đạt được, khiến họ dễ thỏa mãn với điều đó và ít chấp nhận mạo hiểm cũng như hạn chế khám phá những cách tiếp cận mới mẻ.
Nhìn nhận thực tế không chỉ riêng nhà lãnh đạo, mỗi cá nhân khi gặp stress thường sẽ cảm thấy bị ức chế, không có động lực để thực hiện những hành động mới. Thay vào đó, ta có xu hướng tập trung vào những gì quen thuộc, lặp lại các thói quen, quyết định một cách rập khuôn nhằm tìm kiếm sự dễ chịu và an toàn. Điều đó giúp ta cảm thấy đang kiểm soát được mọi thứ. Đối với lãnh đạo, quá trình này phức tạp hơn (vì lãnh đạo chịu nhiều áp lực hơn và các tác nhân gây căng thẳng cũng phức tạp hơn). Khi gặp stress với cường độ cao, liên tục và kéo dài mà không nhận được sự hỗ trợ hay không tìm được cách thoát ra, Cortisol không được kiểm soát sẽ tăng liên tục giết chết các tế bào não cần thiết cho quá trình học hỏi cái mới (nằm trong vùng hải mã). Sự thay đổi sinh học này dẫn đến hành vi có xu hướng máy móc, đi theo lối mòn, không nhìn ra được những cách tiếp cận mang tính khả thi cao hơn.
Nhiều phát hiện trong y học đã chứng minh trầm cảm có thể tác động đến: hệ miễn dịch (giảm đề kháng, tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm nhiễm thông thường…), hệ cơ (căng cứng cơ, nhức mỏi…), hệ thần kinh (rối loạn tiền đình, khó tập trung, suy giảm trí nhớ…), hệ tiêu hóa (các vấn đề về ăn uống, bài tiết…), hệ tim mạch (huyết áp thấp/cao, rối loạn tuần hoàn máu, xơ vữa động mạch…). Trong bối cảnh bất ổn định của xã hội đã và đang mang lại những tác động nhất định, nhà lãnh đạo sẽ không bao giờ có thể phát triển nếu họ không biết cách giải tỏa căng thẳng, khư khư giữ lấy những thói quen cũ. Hậu quả căng thẳng ở nhà lãnh đạo nếu không được giải quyết một cách kịp thời và thỏa đáng sẽ ảnh hưởng rất lớn không chỉ đến đời sống cá nhân của nhà lãnh đạo, gia đình mà cả những người họ đang chịu trách nhiệm dẫn dắt. Vậy nên việc nhận biết và giải tỏa căng thẳng là điều bất cứ nhà lãnh đạo nào cũng cần quan tâm không chỉ vì bản thân họ mà còn vì những người xung quanh.

P2. Một số cách hỗ trợ nhà lãnh đạo ứng phó với căng thẳng (còn tiếp)