Trong suy nghĩ của số đông, hầu hết các nhà lãnh đạo – người tiên phong, dẫn dắt tổ chức thường là những người có sức khỏe tinh thần tốt. Vì theo lẽ thường, sức khỏe tinh thần tốt họ mới làm được công việc với nhiều người và nhiều áp lực. Chúng ta thường nghĩ rằng những nhà quản lý, lãnh đạo là những người có ý chí mạnh mẽ, có tinh thần thép, luôn kiên cường trước mọi hoàn cảnh…. Chiếc nhãn này không chỉ được gắn lên nhà quản trị ở môi trường làm việc (khi thực hành vai trò) mà còn ở cả môi trường bên ngoài, thâm chí là đời sống cá nhân. Vậy nên thông thường, mọi người sẽ có phản ứng ngạc nhiên hoặc e ngại khi làm việc với một nhà lãnh đạo nào đó gặp khó khăn liên quan đến đời sống tinh thần. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến những cá nhân khi đang thực hiện các vai trò quản trị trong tổ chức khi gặp stress, trầm cảm hay các vấn đề tâm lý thường phản ứng thái quá hoặc lờ đi, thậm chí là chối bỏ. Điều này có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng về lâu dài.
Việc thể hiện những bất ổn tinh thần là điều không dễ dàng gì đối với văn hóa Á – Đông, nơi mà những gì liên quan đến nhà lãnh đạo, quản lý (đặc biệt là vấn đề hình ảnh) thường được trau chuốt, tô hồng; các vấn đề liên quan đến sức khỏe (kể cả thể chất lẫn tinh thần) của nhà lãnh đạo luôn cần được đặt trong trạng thái bình thường vì nếu không, tổ chức sẽ giống như “rắn mất đầu”, rất khó để ổn định quá trình vận hành. Vậy, câu hỏi đặt ra: “làm sao thừa nhận sự thiếu ổn định của sức khỏe tinh thần nhưng không làm ảnh hưởng đến các vấn đề cá nhân khác cũng như đến tập thể?” Đây là sự quan tâm của rất nhiều nhà quản trị. cnman.vn sẽ cùng bạn đi tìm câu trả lời qua nội dung dưới đây.
Câu nói nổi tiếng “Bạn chính là những gì bạn nghĩ” nhắc nhở chúng ta cần tư duy tích cực và phải luôn chú ý cũng như kiểm soát suy nghĩ. Tuy nhiên trên thực tế, chúng ta không thể kiểm soát được suy nghĩ (vì bản chất suy nghĩ có tính tự động, ví dụ: Khi đọc hoặc nhìn hình ảnh một quả xoài, bạn không thể ngăn mình nghĩ về một đĩa xoài chấm muối ớt, thậm chí tâm trí của một số người còn kích hoạt hệ tiêu hóa tiết ra enzim). Bạn không thể điều khiển tâm trí “không được nghĩ” đến những điều làm bạn lo lắng, thúc ép tâm trí như vậy chỉ làm bạn suy nghĩ nhiều hơn về những điều bạn ngăn cấm và trở nên lo lắng thêm mà thôi. Vậy nên bạn cần “chấp nhận” và “cam kết”. Nói cách khác, bạn cần chủ động tìm kiếm năng lượng tích cực bằng cách tách bạch hai khái niệm “tâm trí” và “cuộc sống”.
Chấp nhận: những gì xảy ra trong tâm trí, những gì bạn cảm thấy. Hãy chắc chắn rằng nó không phải là toàn bộ con người bạn.
Cam kết: Những cách mới mẻ bạn nên thử áp dụng liên quan đến công việc và đời sống sinh hoạt hằng ngày nhằm cải thiện các vấn đề bạn đang gặp phải.
Hai nội dung trên chính là chìa khóa của liệu pháp ACT (Acceptance and Commitment Therapy). Nó nói rằng bạn có quyền từ chối ảnh hưởng của suy nghĩ, cảm xúc đến hành vi bằng cách thừa nhận sự tồn tại của nó – không cố gắng xóa bỏ hay tìm cách khắc phục những cảm xúc đang hiện diện mà thay vào đó là hướng đến tìm kiếm ý nghĩa thật sự của sự kiện khách quan giải quyết chúng. Ví dụ: Bạn cảm thấy mình không thể hoàn thành nhiệm vụ nào đó trong công việc. Cảm giác này khiến bạn không có động lực lập kế hoạch hay tổ chức. Thông thường lời khuyên dành cho bạn là cần tác động vào nhận thức, thay đổi suy nghĩ về bản thân đề tái tạo cảm xúc tích cực giúp bạn hành động nhưng ACT không đi theo hướng này. Liệu pháp Chấp nhận và Cam kết nói rằng bạn có thể thừa nhận cảm giác bản thân không thể hoàn thành công việc và tách nó ra khỏi hành vi của bạn – cam kết đưa bản thân vào hoạt động nào đó liên quan đến công việc này. Theo liệu pháp ACT, ngay cả khi tâm trí đang rối bời hoặc mang những nỗi đau, nỗi ám ảnh trong quá khứ, chúng ta vẫn có thể kiểm soát các biểu hiện bên ngoài của mình (cử chỉ, hành động).
ACT nhấn mạnh rằng bạn không cần phải xóa bỏ đi các suy nghĩ, cảm xúc tiêu cực. Đồng thời với chúng, bạn có thể tái tạo một suy nghĩ khác về sự kiện kích hoạt để nhìn nhận hệ quả theo hướng tích cực, nâng cao khả năng phục hồi về tinh thần. Nói cách khác, bạn có thể chấp nhận các cảm xúc, suy nghĩ tiêu cực và “mặc kệ nó” để tập trung hướng đến suy nghĩ về các yếu tố bạn có thể kiểm soát hay những gì giúp bạn cảm thấy tốt lên và trở nên cân bằng hơn.

Chúng ta không thể kiểm soát được tâm trí của mình nhưng chúng ta hoàn toàn có thể thoát khỏi sự điều khiển của tâm trí. Thay vì tập trung triệt tiêu những cảm xúc khó chịu, mỗi người hoàn toàn có thể có những cách ứng phó hiệu quả hơn bằng cách bóc tách cảm xúc. Giả sử một người đang vật lộn với con quái vật mang tên trầm cảm; nếu nguyên nhân của nó khởi phát từ các vấn đề cá nhân (chẳng hạn bất lực với những xung đột gia đình) đừng bao giờ quy kết: “Tôi vô dụng” mà hãy rõ ràng đó là cảm xúc của bạn (bằng phát biểu: “tôi cảm thấy mình là một người vô dụng trong gia đình”. Điều này giúp người đó phân biệt được đó là cảm xúc của mình và ít nhất (khi chưa hành động), phát biểu trên đã phần nào giới hạn “sự vô dụng” trong phạm vi gia đình mà thôi. Hoặc khi gặp khó khăn trong việc thiết lập mối quan hệ, hãy phân biệt và nói: “Tôi nghĩ mình không thể chia sẻ được với ai” chứ không phải là “tôi không chia sẻ được với ai”. Nghe có vẻ không có gì khác nhau nhiều nhưng thật ra, khi nói “tôi nghĩ/tôi cảm thấy” tức là bạn đang nói về cảm xúc, về tâm trí, suy nghĩ của bạn – Đó không phải là tất cả con người bạn. Và khi làm được như vậy, bạn có cơ hội để đặt cảm xúc đó ra ngoài, sau đó tập trung tìm kiếm giải pháp để trở nên tốt hơn (Ví dụ: “Tôi đã cảm thấy mình vô dụng. Tôi nhớ sự kiện chứng tỏ tôi là người có ích là… “hoặc “tôi có thể/cần hành động … để bản thân trở nên có ích”.)
Các cảm xúc đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong định hướng hành vi. Nếu gặp nhiều sự kiện gây căng thẳng hoặc hình thành cảm xúc âm tính, chúng sẽ tạo ra “sức ì” khiến mỗi cá nhân trở nên trì hoãn, mệt mỏi… Để thoát khỏi những đám mây u ám đó thật sự không phải là điều dễ dàng. Và thứ chúng ta có thể làm không phải lúc nào cũng là chăm chăm tìm cách vùng vẫy hay thoát khỏi những cảm xúc đó mà có thể thả lỏng, chấp nhận, phóng tầm mắt về hướng khác, tìm kiếm các đám mây trong trẻo hơn, những sự kiện tích cực, những suy nghĩ về sự quan trọng của bản thân hoặc về ý nghĩa của một hoạt động nào đó cần làm. Đó là những điểm lóe sáng và nếu biết cách tìm kiếm cũng như nắm bắt, bạn có thể vén được một góc nào đó của tấm màn xám xịt trước mặt mình để nhìn thấy điều tươi đẹp hơn.

Quay lại vấn đề cảm xúc, dù là quản lý, lãnh đạo hay nhân viên, việc giữ những cảm xúc âm tính (cáu gắt, buồn bã, tức giận… ) mà không làm gì hay cố gắng triệt tiêu chúng thường rất mất thời gian và chưa chắc đã mang lại hiệu quả. Bạn cần thiết luôn tự đặt câu hỏi với bản thân: “Cảm xúc này/Trạng thái này sẽ ảnh hưởng như thế nào để hiệu quả thực hiện vai trò của tôi?”; “Suy nghĩ/Cảm giác này không phải là tôi, tôi sẽ để nó ở đây và tập trung vào…”. Chẳng hạn như căng thẳng vì năng suất chưa đạt yêu cầu: Thay vì cố thoát khỏi sự buồn chán, tự ti về năng lực quản lý của mình hay bực tức, chỉ trích, sa thải ai đó… Bạn cần chấp nhận những gì đang diễn ra trong tâm trí và yêu cầu bản thân cam kết vào hiện tại: tập trung tìm kiếm nguyên nhân của vấn đề: xem xét cơ sở vật chất, rà soát vấn đề của từng thành viên, từng nhóm nhỏ và hỗ trợ, hướng dẫn họ cách để cải thiện tình hình. Cùng với chấp nhận, cam kết chính là xương sống quyết định sự thành công khi áp dụng liệu pháp này. Người phương Tây có tính cá nhân cao, họ đặt trách nhiệm nhất định cho bản thân kể cả trong quá trình tìm kiếm nguồn hỗ trợ tinh thần. Ngược lại, người phương Đông đặt trách nhiệm, niềm tin cho người sẽ hỗ trợ họ (bác sĩ, chuyên viên…), họ ít khi cho rằng động thái cam kết của họ ảnh hưởng đến kết quả. Điều này cũng giải thích vì sao liệu pháp ACT có nhiều cơ hội phát triển ở xã hội phương Tây hơn phương Đông.
Tìm kiếm sự cân bằng là nhu cầu chung của mỗi người không phân biệt nhân viên hay lãnh đạo. Nếu nhà quản trị đang đối mặt với căng thẳng, stress hoặc những vấn đề khủng hoảng khác gây mất cân bằng tinh thần, họ cần thừa nhận vấn đề mình đang gặp phải đồng thời chủ động hướng tới những giải pháp giải quyết triệt để như tìm đến các chương trình tham vấn, trị liệu cá nhân, nhóm… hoặc tìm kiếm sự hỗ trợ của bác sĩ, chuyên gia. Cùng với đó, nội dung trong bài viết này có thể là một chìa khóa quan trọng giúp nhà lãnh đạo, quản lý kiểm soát được các vấn đề liên quan đến sức khỏe tinh thần, không để những vấn đề cá nhân chi phối quá nhiều vào thực hành vai trò lãnh đạo nhằm hạn chế tối đa những ảnh hưởng tiêu cực, những tổn thương có thể gây ra cho bản thân và cho những người xung quanh.
Tài liệu tham khảo:
Steven C.Hayes & Spencer Smith (2020). Thoát khỏi tâm trí để bước vào cuộc sống. NXB Thanh Niên