Vào đầu thập niên 60 của thế kỉ XX, Abraham Maslow đã dẫn đầu một nhóm nhà tâm lý và triết học khởi xướng một phong trào có tên là Tâm lý học lực lượng thứ ba, sau này được biết đến với tên gọi phổ biến là Tâm lý học nhân văn.
Theo quan điểm của một số người, Alfred W. Adler mới là người khai sinh ra Tâm lý học nhân văn vì những đóng góp của ông (như khái niệm phức cảm tự ti, chức năng, nhiệm vụ của mỗi cá nhân…) có nhiều điểm chung với trường phái này. Tuy nhiên, không ai có thể phủ nhận những cống hiến của Maslow và rõ ràng ông người có công đầu trong việc đưa Tâm lý học nhân văn trở thành một trường phái tâm lý học chính thức, đứng cùng hàng với trường phái Phân tâm học và Tâm lý học hành vi.
Abraham Maslow sinh ngày 1/4/1908. Với gốc gác Do Thái và là dân di cư, tuổi thơ của Maslow khá cô đơn và tẻ nhạt. Được biết là được trẻ khá nhút nhát, ít gần gũi với cha mẹ cũng như bạn bè, cậu bé Maslow tìm niềm vui chủ yếu từ sách vở. Ông là một trong những học sinh xuất sắc nhất tại trường cấp 3 ở Brooklyn. Từng theo học ngành Luật tại City College nhưng ông từ bỏ sau vài tháng và chuyển sang Đại học Wisconsin bắt đầu con đường Tâm lý học. Maslow lấy bằng cử nhân năm 1930, Thạc sĩ năm 1931 và Tiến sĩ năm 1934. Với những cố gắng không ngừng nghỉ, Masow được bổ nhiệm vị trí trưởng khoa Tâm lý học tại Đại học Brandeis năm 1951, ra đời Tạp chí Tâm lý học nhân văn năm 1961, Thành lập Hội các nhà Tâm lý học Nhân văn Hoa Kỳ năm 1962 và ngành Tâm lý học Nhân văn (thuộc Hội Tâm lý học Hoa Kỳ) năm 1971
Nổi tiếng nhất trong các nghiên cứu của ông là tháp nhu cầu, còn được gọi là tháp Maslow.

Nhu cầu sinh lý: Đây là nhu cầu cơ bản nhất không khác gì với động vật. Con người cần thức ăn, nước uống, không khí, chỗ ngủ, nghỉ ngơi… Nếu thiếu những nhu cầu này, con người không thể duy trì cuộc sống.
Nhu cầu an toàn: Sau khi thỏa mãn nhu cầu sinh lý, con người sẽ muốn an toàn. Điều này thúc đẩy con người đào hầm, dựng lều, đốt lửa xua thú dữ hay xây nhà chắc chắn, mua khóa chống trộm… để đảm bảo rằng mình được bảo vệ và an toàn.
Nhu cầu xã hội: Sau 2 cấp độ cơ bản nhất, con người sẽ phát triển nhu cầu tìm kiếm tình cảm, tình bạn hoặc tình yêu, con người muốn hòa nhập, muốn trở thành thành viên của nhóm, tập thể, muốn khẳng định sự tồn tại của mình trong một vòng tròn chung, được xã hội chấp nhận.
Nhu cầu được quý trọng: Với nhu cầu của lòng tự trọng, con người sẽ tìm kiếm niềm tin, sự ghi nhận của người khác đối với mình (tôn trọng) và vào chính mình (tự trọng).
Nhu cầu được thể hiện mình: Đây là đỉnh cao nhất trong tháp nhu cầu của Maslow. Người đạt đến bậc thang này sẽ có một trạng thái hài hòa và hiểu biết sâu sắc về chính mình cũng như thế giới xung quanh.
Theo tháp nhu cầu, các nhu cầu của con người được sắp đặt theo một thứ bậc từ thấp đến cao. Các nhu cầu càng thấp nằm ở đáy tháp, chúng giống với các nhu cầu của loài vật: nhu cầu sinh lý và nhu cầu an toàn. Các nhu cầu càng hướng lên trên càng đặc trưng cho con người.
Sự sắp xếp các bậc nhu cầu có ý nghĩa khi người ta thỏa mãn một nhu cầu thấp hơn, người ta sẽ hướng đến tìm kiếm nhằm thỏa mãn một nhu cầu cao hơn. Tuy nhiên trong thực tế không phải lúc nào con người cũng bước lên nhu cầu cao hơn sau khi đã thỏa mãn nhu cầu phía dưới. Những chiến sĩ cách mạng sẵn sàng chiến đấu trong tình trạng thiếu ăn và nguy hiểm luôn rình rập nhưng họ vẫn có xu hướng quan tâm đến nhu cầu xã hội và nhu cầu được tôn trọng. Đây là một trong những vấn đề cần quan tâm nhiều hơn khi ứng dụng tháp Maslow vào đời sống.
Đỉnh tháp Maslow là nhu cầu tự thể hiện mình. Ông cho rằng không phải ai đi đến tầng 4 của tháp nhu cầu cũng muốn đến tầng 5. Thực tế quanh ta cũng có những người như vậy – người thứ năm trong bài hát “chuyện 5 người” của nhạc sĩ Trần Tiến – họ sống một cuộc đời làng nhàng, một công việc làng nhàng, có cống hiến ở một mức độ nào đó, được người khác tôn trọng và ghi nhận. Và họ chỉ muốn vậy, không cần gì hơn.
Theo Maslow, một người vươn đến nhu cầu tự thể hiện mình nghĩa là họ đã đi đến bước tìm kiếm đầy đủ tiềm năng con người. Những con người đi đến bậc này thường là những người xuất chúng tuy nhiên ở họ vẫn có những khuyết điểm với ngụ ý không có con người toàn thiện, đó là lý tưởng để hướng đến chứ không phải mục tiêu cần đạt.
Vì không có ai đạt được đầy đủ tiềm năng con người, Maslow đã liệt kê những tính chất cho thấy biểu hiện của những người có nhu cầu tự thể hiện mình như sau:
- Họ nhận thức thực tại chính xác và đầy đủ.
- Họ rất biết chấp nhận mình và người khác.
- Quan tâm tới mọi người thay vì chỉ quan tâm tới bạn bè hay người thân của họ.
- Tỏ ra có sự tự nhiên và tự phát.
- Có nhu cầu riêng tư.
- Thường chỉ có ít bạn thân.
- Có óc khôi hài rất phát triển nhưng không mang tính thù nghịch.
- Có óc sáng tạo.
- Có một tinh thần đạo đức mạnh nhưng không nhất thiết chấp nhận đạo đức truyền thống.
- Có khuynh hướng độc lập với môi trường và văn hóa.
- Có sự đánh giá liên tục đổi mới.
- Định kỳ có các kinh nghiệm thần bí hay tột đỉnh.
- Quan tâm tới mọi người thay vì chỉ quan tâm tới bạn bè hay người thân của họ.
Dù chịu nhiều chỉ trích như Phân tâm học là thiếu cơ sở khoa học, Tâm lý học nhân văn đã có những ảnh hưởng nhất định đến tâm lý học hiện đại. Trường phái này vẫn trụ vững và hòa vào các lĩnh vực của đời sống xã hội ngày nay.

Khác với Phân tâm học cho rằng bản chất của con người là xấu xa, tội lỗi, Tâm lý học nhân văn mở ra một hướng tiếp cận khác – thừa nhận bản chất tốt đẹp trong mỗi người, đề cao những nỗ lực phát triển bản thân thông qua mục tiêu thỏa mãn nhu cầu mà con người tìm kiếm trong cuộc sống cũng như kêu gọi hướng đến mục tiêu khôi phục và làm nảy nở những bản chất tốt đẹp đó và kêu gọi sự cởi mở, ân cần, tử tế giữa người với người. Từ lý thuyết về tháp nhu cầu bạn có nhìn rộng hơn về mối tương quan giữa nhu cầu và động lực cũng như hệ giá trị cốt lõi của cá nhân. Cùng xem phân tích về tương quan này trong buổi chia sẻ về phát triển giá trị cốt lõi của EMCC Vietnam tại đây:
Tamlylanhdao.com