Stress – 4 tác động và kĩ năng ứng phó bạn cần biết

Có thể khái niệm stress, trầm cảm không còn xa lạ với mỗi chúng ta. Thậm chí nhiều thông tin báo đài còn cho rằng trầm cảm là vấn đề của xã hội hiện đại. Nghiên cứu tại các trường Đại học trên địa bàn Tp.HCM cho thấy có khoảng 24% sinh viên bị trầm cảm. (Theo báo Người lao động, 2018). Không phải ai cũng bị trầm cảm nhưng hầu hết mọi người đều gặp phải stress ở một thời điểm, một giai đoạn nào đó trong học tập, trong công việc, trong mối quan hệ gia đình, bạn bè… Và nếu không biết cách thoát ra, stress sẽ đưa chúng ta đến trầm cảm. Vậy stress là gì và ảnh hưởng đến cơ thể như thế nào?

Trầm cảm làm rối loạn chức năng hoạt động của não. Nó được xác định là một rối loạn tâm thần gồm các tiêu chí chẩn đoán trong sổ tay Tiêu chuẩn lâm sàng (DSM-5). Stress (hay căng thẳng)  là phản ứng của cơ thể trước những sự kiện hoặc tình huống gây áp lực về thể chất hoặc/và tinh thần. Hiểu đơn giản như trên một con đường, nếu gặp phải stress nhiều và dai dẳng rất có thể nguy cơ đợi chúng ta ở phía cuối là trầm cảm. Bản thân stress có những tích cực nhất định: nó là dấu hiệu cho biết cơ thể đang muốn nói với bạn điều gì đó- có thể là yêu cầu bạn dành thời gian nghỉ ngơi. Cùng tìm hiểu những tác động của stress lên hệ tim mạch, cơ bắp, hệ miễn dịch và thần kinh trung ương để biết cách ứng phó nhé.

1. Stress ảnh hưởng tiêu cực đến hệ tim mạch

Khi căng thẳng nhịp tim của chúng sẽ tăng dễ dẫn đến huyết áp cao. Điều này làm tăng nguy cơ bị đột quỵ. Stress còn thúc đẩy quá trình xơ vữa động mạch: kích thích làm gia tăng hoạt động của hệ thần kinh giao cảm, ảnh hưởng xấu đến thành mạch, làm rối loạn tuần hoàn và tăng nguy cơ gây tổn thương các tế bào nội mạc, làm tăng tính thấm của tế bào nội mạc, làm tăng nguy cơ lắng đọng LDL-cholesterol gây hình thành và phát triển vữa xơ động mạch.

2. Stress làm hệ cơ căng cứng

Dưới tác động của stress, một khoảng năng lượng lớn được tập trung cho cơ bắp, các cơ căng lên để bảo vệ bạn khỏi chấn thương. Stress thường xuyên làm quá trình dãn cơ ít hơn khiến cơ bắp không được nghỉ ngơi dẫn đến đau cơ, chuột rút, đau một bộ phận hoặc đau toàn thân khiến bạn lười vận động và phụ thuộc vào thuốc giảm đau. Đây là một vòng luẩn quẩn: mệt mỏi – lười và sử dụng thuốc – mệt mỏi

3. Stress làm suy giảm hệ miễn dịch

Khi gặp áp lực liên tục cơ thể sẽ dễ gặp các vấn đề như cảm, sổ mũi… Stress ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa làm bạn chán ăn, ăn không ngon làm cơ thể ốm yếu và làm giảm hệ miễn dịch, dó đó các bệnh nhẹ cơ thể vốn chống đỡ được giờ dễ dàng xâm nhập hơn. Cũng tương tự, khi bị bệnh nếu đang trong giai đoạn stress, thời gian để phục hồi của cơ thể sẽ lâu hơn những người có tâm trạng vui vẻ, thoải mái.

4. Stress tác động xấu đến hệ thần kinh trung ương

Các nghiên cứu khoa học cho thấy, stress tác động rất mạnh đến các tế bào thần kinh trung ương, Các tế bào luôn ở trong trạng thái căng thẳng và thiếu oxy dẫn đến khó tập trung, giảm trí nhớ…

Stress có thể dẫn đến trầm cảm nếu không có những ứng phó tích cực.

Với những tác động trên diện rộng như vậy, bạn cần biết những cách ứng phó để stress không dẫn đến trầm cảm hay làm đảo lộn cuộc sống của bạn.

Chia sẻ, tìm nguồn hỗ trợ

Khi chia sẻ, niềm vui sẽ nhân lên còn nỗi buồn được chia ra. Đừng giữ nỗi buồn và một mình gặm nhấm chúng. Hãy tìm những người thân, những người bạn thật sự tin tưởng và trải lòng mình để những áp lực cuộc sống được chia nhỏ ra. Đây cũng là cơ hội để bạn lắng nghe và giúp đỡ người khác, để bạn nhận ra rằng bản thân luôn có ích và không chỉ mình bạn đang gặp khó khăn.

Tìm kiếm động lực

Với những vấn đề stress trong công việc, đặc biệt là khi mọi thứ không như bạn mong muốn, hãy học cách chấp nhận rằng không ai hoàn hảo và bạn cũng vậy. Thay vì chìm đắm trong những cảm xúc tiêu cực, bạn cần dành thêm thời gian để nhìn lại vấn đề một cách khác quan, rút ra những gì đã làm tốt và chưa tốt để thay đổi. Làm nhiều việc cùng một lúc sẽ không mang lại hiệu quả vì vậy bạn nên dành thời gian và công sức cho một vấn đề cụ thể. Thay vì lập kế hoạch dài hạn khó nhìn thấy kết quả, hãy thử chia nhỏ kế hoạch và dành thời gian cho các mục tiêu ngắn hạn để dễ thực hiện, giúp bạn có động lực tiếp tục với kế hoạch dài hơi hơn.

Dành thời gian cho bản thân

Tập trung vào bản thân là cách hữu ích để cân bằng khi gặp stress

Rất nhiều người mang trong mình tinh thần cầu tiến và muốn được lòng tất cả mọi người nên lúc nào họ cũng “say yes” với những yêu cầu hỗ trợ, giúp đỡ. Những công việc của người khác không quan trọng với chính họ chiếm hết quỹ thời gian trong ngày khiến họ luôn cảm thấy áp lực. Hãy học cách từ chối những yêu cầu không liên quan hoặc nằm ngoài khả năng của bạn. Cần biết rằng từ chối không phải là vô trách nhiệm, đó là cách tốt nhất để bạn tập trung trách nhiệm vào những công việc của chính bạn. Công thức từ chối giúp bạn không làm phật lòng người khác là: “Xin lỗi tôi không thể giúp bạn nhưng tôi biết… (người/công cụ/trang thông tin) hữu ích mà bạn có thể tham khảo”. Bên cạnh đó hãy dành thời gian những công việc, hoạt động cá nhân mà bạn thấy thoải mái hơn.

Ngủ đủ giấc và tập thể dục
Cuộc đời mỗi người cần dành ra khoảng 1/3 thời gian cho việc ngủ. Shark Hưng – Phó Chủ tịch HĐQT Cen Group chia sẻ “không hiểu sao Thượng đế sinh ra con người phải ngủ nhiều thế!”. Nhu cầu về giấc ngủ thay đổi tùy theo lứa tuổi và khác nhau ở mỗi người. Tuy nhiên, không phải ngẫu nhiên mà các nhà khoa học đưa ra lời khuyên nên ngủ đủ 8 tiếng/ngày. Ngủ là thời gian cơ thể tiết ra những hormone quan trọng, chúng tham gia vào quá trình chuyển hóa, tích lũy năng lượng cần thiết cho những hoạt động tiếp theo. Giấc ngủ giúp não bộ sắp xếp thông tin một cách hệ thống, xây dựng và củng cố khả năng của trí nhớ dài hạn. Điều này cực kì cần thiết để cơ thể thích nghi và phát triển. Cùng với giấc ngủ, vận động là cách hữu hiệu để tạm biệt stress. Ông bà ta hay nói “ngủ ít thèm ăn ngủ nhiều thèm ngủ”. Nếu bạn luôn cảm thấy mệt mỏi, buồn ngủ thì có lẽ bạn cần ra ngoài chạy bộ hay tập thể dục. Khi cơ thể dẻo dai, khỏe mạnh sẽ tác động đến tinh thần của bạn làm tâm trí khỏe hơn, sáng suốt hơn.
Thể chất vững vàng là nền tảng của tâm trí sáng suốt

Nghiên cứu thú vị về hình ảnh não bộ trên người lớn cho thấy rằng trầm cảm có liên quan đến mức hoạt hoá thấp của bán cầu não trái ( Pliszka, 2003). Có vẻ như bán cầu não trái liên quan nhiều đến việc xử lý cảm xúc tích cực; khi bán cầu não trái kém hoạt hoá, bán cầu não phải có thể hoạt hoá nhiều hơn , tạo ra những cảm xúc tiêu cực quá mức. Nếu biết điều này bạn cần học cách kiểm soát cảm xúc, uống nước hoặc đếm và hít thở đều cũng là cách giúp bạn cân bằng, sau đó hãy kích hoạt tư duy logic làm việc.

Stress hay căng thẳng là một trạng thái mà bạn thường gặp phải trong cuộc sống – nó mang ý nghĩa rằng bạn cần phải thay đổi điều gì đó. Nếu đối diện với stress bằng thái độ hoảng hốt, loay hoay, cố gắng triệt tiêu bạn sẽ đẩy bản thân đến nhiều hệ quả tiêu cực. Hãy nghĩ đơn giản stress như một nguyên liệu của món ăn, bạn có thể ăn hết hoặc đẩy nó qua một bên và gọi món khác – những hoạt động khiến bạn hứng thú hơn.

Ở một khía cạnh khác, stress là dấu hiệu chứng tỏ bạn đang ở ngoài vùng thoải mái, nó giúp bạn nhận ta cần hoạt động tích cực hơn, kích thích bạn tập trung và tăng năng suất làm việc. Chúng ta cần nhận định đúng về stress để không làm quan trọng hóa vấn đề, tự đẩy bản thân vào cái hố nhận thức tiêu cực khiến cuộc sống bị đảo lộn cuộc sống cũng như dọn đường cho rối loạn trầm cảm.

Tamlylanhdao.com

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *