Sigmund Freud và liên tưởng tự do trong phân tâm học

Từ thế kỷ XIX trở về trước, khi nói về Thần kinh bệnh học người ta sẽ nghĩ đến những triệu chứng tâm thần phân liệt (schizophrenia): suy giảm chức năng, cản trở thực hiện công việc, đổ vỡ các mối quan hệ xã hội và mất khả năng tự chăm sóc. Trong bối cảnh đó, Sigmund Freud đã đi sâu vào nghiên cứu thần kinh bệnh học và giải phẫu thần kinh. Với những quan sát thực tế và nghiên cứu mối quan hệ giữa chứng dồn nén và chứng thần kinh tương khắc, Bác sĩ Freud cho rằng xung khắc tâm thần không phải chỉ có trong người bệnh mà nó xuất hiện ở cả những người bình thường. Cũng theo Freud “bệnh tâm thần” không phải là bệnh ám chỉ những người loạn trí, điên khùng hay mất kiểm soát hành vi. Tâm thần là tâm lý thần kinh và “bệnh tâm thần” cần được hiểu đúng là trạng thái tâm lý của trí não. Với những quan sát, thí nghiệm và kinh nghiệm làm việc khi điều trị cho những bệnh nhân, Sigmund Freud đã xây dựng nền tảng thuyết Phân tâm học – một học thuyết tâm lý học phát triển rực rỡ và ứng dụng rộng khắp vào cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX.

Trong tất cả các ngành khoa học, chúng ta đều thừa nhận rằng Tâm lý học là khoa học có nhiều bí ẩn và có lẽ Phân tâm học là một trường phái bí hiểm nhất vì tâm lý con người được nghiên cứu theo trường phái này không có cơ sở rõ ràng để chứng minh cũng như không thể bác bỏ. Dù vậy, sức ảnh hưởng của Phân tâm học là cực kĩ mạnh mẽ và cho đến ngày nay, chúng ta đều có thể tìm thấy tư tưởng của nó trong nhiều lĩnh vực từ lịch sử, văn chương, nghệ thuật, luật pháp đến tôn giáo, giáo dục, xã hội học…

 

Tốt nghiệp bác sĩ tại Đại học Y khoa thành Vienna (1881), những năm tiếp theo trong sự nghiệp Freud đã đến Paris và làm việc cùng Jean Charcot – nhà bệnh lý học và thần kinh học người Pháp nổi tiếng với phương pháp dùng thôi miên để điều trị bệnh loạn thần kinh. Freud đã rất thán phục và tin tưởng khi trực tiếp quan sát Charcot chứng minh được thôi miên có thể phân biệt được loạn thần kinh thật và loạn thần kinh giả.

Tuy nhiên, khi trở lại Vienna, Freud không thuyết phục được đồng nghiệp của mình – những người nhất định cho rằng thôi miên không có cơ sở khoa học. Khăng khăng với ý tưởng táo bạo của mình, Freud bị đuổi khỏi phòng thí nghiệm giải phẫu thần kinh. Từ đó ông hành nghề bác sĩ tư và tiếp tục dùng thôi miên để chữa bệnh. Dần dần, Freud nhận ra rằng phương pháp này không phù hợp với tất cả người bệnh – cùng một triệu chứng, có người được chữa khỏi bằng thôi miên nhưng một số khác lại không. Thay vào đó, Freud phát triển một phương pháp mới do chính ông tìm ra, phương pháp “tự do liên tưởng” (free association). Kỹ thuật này đã trở thành tiêu chuẩn thực hành cho những người đi theo Phân tâm học.

Liên tưởng tự do là kỹ thuật giải tỏa dồn nén và loại bỏ đối kháng. Kỹ thuật này giúp thăm dò cõi vô thức của người bệnh. Họ sẽ được ngồi thoải mái trên ghế hoặc nằm nghỉ ngơi trên trường kỷ, thả lỏng tinh thần, tự do nghĩ và nói ra những điều họ nghĩ: ước vọng, cảm xúc tâm trạng, các vấn đề cơ thể, những rắc rối công việc hoặc đau khổ đời tư, đôi khi là những điều tưởng chừng ít quan trọng hay vô nghĩa. Nhà trị liệu theo Phân tâm học sẽ đứng phía sau kích thích bệnh nhân liên tưởng không theo bất cứ chiều hướng nào (không suy nghĩ một cách có ý thức) và tập trung nghe, ghi chép, cố gắng để không làm gián đoạn mạch liên tưởng của người bệnh. Sau đó, nhà trị liệu sẽ dùng năng lực và kinh nghiệm của mình để bóc tách những lớp vỏ ngoài của ý thức để người bệnh nhìn trực tiếp vào các vấn đề vô thức, những dồn nén, những xung đột bị kiềm chế của chính mình. Thông thường nguyên nhân của những vấn đề hiện tại bệnh nhân đang gặp phải đến từ những trải nghiệm trong quá khứ – những điều bệnh nhân không muốn nhớ lại một cách có ý thức. Khi nhà trị liệu khuấy động được cõi vô thức, diễn giải để người bệnh hiểu được một phần trong vô thức của mình, các dấu hiệu thực thể hay những vấn đề gây khó chịu, đau khổ sẽ biến mất.

A.A Brill – một học trò của Freud ở Hoa Kỳ miêu tả cách thầy chữa bệnh như sau: “Ông thuyết phục con bệnh gạt mọi suy nghĩ có ý thức, tự buông thả mình vào một trạng thái tập trung bình thản, tự phó mặc theo những cảm xúc và suy nghĩ nảy sinh, rồi thuật lại tất cả những điều đó cho ông biết. Nhờ phương pháp ấy, ông đưa dần bệnh nhân tới trạng thái “tự do liên tưởng”; và nhờ nghe người bệnh tự do liên tưởng, mà thầy thuốc có thể tìm ra được nguồn gốc sâu xa của các triệu chứng”.

Trong quá trình tự do liên tưởng, những điều bệnh nhân thao thao bất tuyệt về mọi điều xảy ra trong tâm trí sẽ rất lộn xộn, mơ hồ, tưởng chừng như không liên quan, không hàm chứa ý nghĩa những tất cả chúng đều có ý nghĩa – năng lực của nhà trị liệu có đủ để nhận thấy hay không mà thôi. Rất nhiều người phản đối học thuyết của Freud vì họ nhận thấy kỹ thuật liên tưởng tự do không tập trung vào người bệnh mà tập trung vào chuyên môn của nhà trị liệu. Họ nêu ra những khó khăn trong việc giải thích với bệnh nhân và kết luận rằng “tự do liên tưởng” là kỹ thuật sai lầm trong việc thám hiểm cõi vô thức của con người.

Dù chịu nhiều phản đối và bài xích vì thiếu cơ sở khoa học trong học thuyết của mình, Sigmund Freud vẫn là một trong số những cái tên được trích dẫn nhiều nhất khi nói về Tâm lý học. Sức ảnh hưởng của ông là không thể phủ nhận, như một nhận xét cho rằng: “Những biến đổi và phát triển trong sáu chục năm qua đã không hề làm giảm giá trị tinh thần hay ảnh hưởng của Freud. Ông đã phát hiện ra cõi vô thức. Ông đã cho biết vô thức ấy giúp tạo thành cái “tôi” như thế nào và ta phải làm thế nào để đạt tới nó. Các nhà phân tâm học sau đó đó thay đổi nội dung nhiều ý tưởng và khái niệm của Freud dưới ánh sáng của những kinh nghiệm sâu xa hơn. Quý độc giả có thể bảo rằng các nhà phân tâm học này đã viết được một cuốn Tân ước về tâm thần bệnh học, còn Freud thì viết cuốn Cựu ước. Tác phẩm của Freud sẽ vẫn là tác phẩm nền móng”.

 

Tamlylanhdao.com

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *