tham vấn

Tham vấn chuyên nghiệp là một mối quan hệ nghề nghiệp trao quyền cho các cá nhân, gia đình và nhóm đa dạng để đạt được sức khỏe tâm thần, sức khỏe mục tiêu học tập, giáo dục và nghề nghiệp.

PHÂN BIỆT GIỮA THAM VẤN [COUNSELLING], TRỊ LIỆU TÂM LÝ [PSYCHOTHERAPY], VÀ KHAI VẤN [LIFE COACHING]

Từ trước tới nay, Tâm lý học luôn được biết tới là một chuyên ngành với các ứng dụng vô cùng đa dạng trong đời sống hiện đại. Cụ thể, với kiến thức và đào tạo chuyên sâu về Tâm lý học, một chuyên gia tâm lý có thể tham gia vào hai nhánh trị liệu là Tham vấn [counselling] và Trị liệu tâm lý [psychotherapy]. Tuy nhiên, giữa hai nhánh trị liệu vẫn tồn tại những điểm khác biệt khi tiếp cận trực tiếp với thân chủ. Bên cạnh đó, với việc cung cấp kiến thức cơ bản và áp dụng thực tế của Tâm lý học, các chương trình Khai vấn [life coaching] cũng có thể tham gia vào việc giúp đỡ thân chủ trong cuộc sống.

SỰ KHÁC BIỆT VỀ ĐỊNH NGHĨA
Để thực sự phân biệt được giữa ba nhánh ứng dụng trên của Tâm lý học, trước hết chúng ta phải hiểu được sự khác nhau giữa định nghĩa của Tham vấn viên [counselor], nhà Trị liệu tâm lý [psychotherapist], và Khai vấn viên [life coach]:
– Tham vấn viên [counsellor]: một người được đào tạo chính quy và chuyên sâu để đưa ra hướng dẫn về các vấn đề cá nhân, xã hội hoặc tâm lý dựa trên các kiến thức chuyên môn về tâm lý và hành vi con người.
– Nhà Trị liệu tâm lý [psychotherapist]: một người được đào tạo chính quy và chuyên sâu để đánh giá và hỗ trợ điều trị các rối loạn tâm thần [mental disorders] bằng tâm lý học chứ không phải bằng phương pháp y tế.
– Khai vấn viên [life coach]: một người được đào tạo hoặc huấn luyện để tư vấn và khuyến khích khách hàng về những vấn đề trong cuộc sống liên quan đến nghề nghiệp hoặc những thách thức cá nhân.

SỰ KHÁC BIỆT TRONG CÁCH TIẾP CẬN VÀ VAI TRÒ
Bên cạnh những khác biệt trong định nghĩa, mỗi nhóm chuyên gia cũng có cách tiếp cận và vai trò khác nhau trong việc hỗ trợ thân chủ. Dù Khai vấn viên có thể có vai trò lớn trong việc truyền cảm hứng cho sự phát triển cá nhân của thân chủ trong cuộc sống, họ lại không thể giúp đỡ các thân chủ trong các vấn đề liên quan tới tâm lý và hành vi như rối loạn trầm cảm và rối loạn lo âu.
Mặt khác, với kiến thức và đào tạo chuyên môn, các Tham vấn viên và đặc biệt là các Nhà trị liệu có thể đóng góp trực tiếp vào việc hỗ trợ giải quyết các vấn đề này. Bên cạnh đó, các Tham vấn viên và các Nhà trị liệu còn có thể cung cấp những kiến thức và chương trình giáo dục về tâm lý. Đặc biệt, khác với các Khai vấn viên, các Tham vấn viên và các Nhà trị liệu tâm lý phải tuân thủ các quy tắc đạo đức nghiêm ngặt do đặc thù công việc phải tiếp xúc trực tiếp với những vấn đề cá nhân của thân chủ. Tuy có nhiều điểm tương đồng, giữa hai phạm trù này vẫn có những điểm khác biệt rõ rệt:
📎 Trong “Tham vấn”:
– Thân chủ tiếp nhận điều trị trong thời ngắn.
– Cách điều trị: tập trung phân tích hành vi nhằm giải quyết một tình huống, triệu chứng ở thời điểm hiện tại.
– Thân chủ, dưới sự hỗ trợ từ Tham vấn viên, tự tìm ra cách giải quyết vấn đề.
📎 Trong “Trị liệu tâm lý”:
– Thân chủ tiếp nhận điều trị trong thời gian dài.
– Cách điều trị: tập trung phân tích cảm xúc, suy nghĩ cùng trải nghiệm của thân chủ nhằm giải quyết các vấn đề đã xảy ra trong một thời gian dài.
– Thân chủ, với sự hỗ trợ của Nhà trị liệu, cùng nhau tìm ra gốc rễ vấn đề và loại bỏ nó.
📎 Trong “Khai vấn”:
– Thân chủ tiếp nhận sự tư vấn hỗ trợ trong một thời gian ngắn
– Cách hỗ trợ: xác lập mục tiêu của thân chủ trong cuộc sống, đặt các câu hỏi để định rõ được các mục tiêu và trở ngại đang và sẽ gặp phải, từ đó thiết lập và theo dõi kế hoạch về những bước đi cần thiết để đạt được mục tiêu.
– Thân chủ, dưới sự hỗ trợ từ Khai vấn viên, cùng nhau tìm ra các trở ngại trong quá trình hoàn thành những mục tiêu đề ra.

VẬY, TÔI NÊN GẶP AI?
Theo nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), ước tính tại Việt Nam có ít nhất 3 triệu thanh thiếu niên đang gặp khó khăn với các vấn đề về sức khỏe tâm lý. Vì thế, tầm quan trọng của Tham vấn và Trị liệu tâm lý đang ngày càng trở nên rõ rệt trong cuộc sống hiện đại. Vậy khi nào thì bạn nên tới gặp chuyên gia và nên gặp Tham vấn viên hay Nhà trị liệu tâm lý?
📎 Hãy tìm gặp một Tham vấn viên nếu như bạn đang:
– Trải qua một sự kiện khó khăn (như mất việc, cai nghiện,…).
– Gặp phải các vấn đề về tâm lý (căng thẳng, stress,…).
– Phải đi qua những thay đổi lớn (kết hôn, trở thành phụ huynh,…).
📎 Hãy tìm gặp một Nhà trị liệu tâm lý khi:
– Bạn ám ảnh bởi một sự việc nào đã xảy ra trong một thời gian dài.
– Hoạt động hằng ngày của bạn bị gián đoạn (mất ăn, mất ngủ, làm việc thiếu hiệu quả,…) bởi những cảm xúc, suy nghĩ thiếu ổn định.
– Các rối loạn tâm lý của bạn vẫn tiếp diễn trong trong thời gian dài sau khi bạn được giúp đỡ bởi Tham vấn viên.
📎 Hãy tìm gặp một Khai vấn viên khi:
– Bạn cần tìm kiếm sự phát triển hoặc một định hướng rõ ràng trong công việc và cuộc sống cá nhân.
– Bạn cần tìm kiếm sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân.
– Bạn mong muốn được đơn giản hóa và giải mã cuộc sống cá nhân và nghề nghiệp của bạn.
– Bạn muốn phát triển sự chấp nhận và tự tin vào bản thân, từ đó vượt ra khỏi vùng an toàn cá nhân.

Tuy nhiên, việc lựa chọn tìm kiếm sự giúp đỡ của Tham vấn viên hay Nhà trị liệu tâm lý còn phụ thuộc vào việc cách tiếp cận của họ có phù hợp với cá nhân và hoàn cảnh của bạn hay không. Trong trường hợp bạn nhận thấy Tham vấn không phù hợp với mình sau thời gian tư vấn, bạn hoàn toàn có thể linh hoạt thử tiếp nhận Trị liệu Tâm lý và ngược lại, hoặc thử tìm tới các nhà Tham vấn với các cách tiếp cận điều trị khác.

Hi vọng những chia sẻ trên đã giúp các bạn hiểu hơn về sự khác biệt giữa Tham vấn, Trị liệu tâm lý và Khai vấn cũng như hỗ trợ các bạn đưa ra các quyết định phù hợp với nhu cầu và tình hình cá nhân.

Liên hệ ngay với chúng tôi

337/7 Nguyễn Trãi – P. Nguyễn Cư Trinh, Quận 1 – Thành phố Hồ Chí Minh

info@nhon.com.vn

peternhon@nhon.com.vn

(+84) 28 5431 9266