Liệu pháp nhận thức hành vi (Cognitive Behavioral Therapy – CBT) là sự kết hợp các kỹ thuật của liệu pháp hành vi (do John B. Watson khởi xướng, được J. Wolpe phát triển hoàn thiện) và liệu pháp nhận thức (với những đại diện: Albert Ellis, Aaron Beck, Banduara, Meichenbaum…).
Kể từ khi ra đời từ những năm 1950 đến nay, Liệu pháp nhận thức hành vi đã được áp dụng rộng rãi ở các bệnh viện, trường học, trung tâm tham vấn trị liệu, chương trình hướng nghiệp tại nhiều quốc gia như một dịch vụ chăm sóc sức khỏe tinh thần hiệu quả. Trong quá trình áp dụng, Liệu pháp nhận thức hành vi đã được điều chỉnh để phù hợp với đối tượng thân chủ (TC) đa dạng về độ tuổi trình độ học vấn, thu nhập, văn hóa, giới tính và được áp dụng cho cả hình thức tham vấn/ trị liệu cá nhân, theo nhóm hoặc gia đình. Với cơ sở khoa học của liệu pháp cùng những hiệu quả thực tế mang lại, Chính phủ Anh đã chấp thuận đào tạo hơn 10.000 nhà trị liệu nhận thức hành vi trong chương trình “Dịch vụ về Sức khỏe Quốc gia” (Stephen Briers, 2009).
Theo Hiệp hội Tâm lý trị liệu Nhận thức Hành vi Anh Quốc: “Liệu pháp nhận thức hành vi gồm nhiều liệu pháp dựa trên các khái niệm và nguyên tắc xuất phát từ các hình mẫu tâm lý về cảm xúc và hành vi của con người”. Hầu hết các nhà tham vấn, trị liệu (NTV) áp dụng CBT tập trung vào 5 cách tiếp cận cụ thể sau:
Liệu pháp Hành vi Cảm xúc hợp lý.
Liệu pháp Nhận thức.
Liệu pháp đa kiểu mẫu.
Liệu pháp Hành vi biện chứng.
Các thành tố của CBT.
Trong bài viết này, tamlylanhdao.com sẽ đi sâu vào tìm hiểu về liệu pháp Hành vi cảm xúc hợp lý (Rational Emotive BehaviorTherapy) của Albert Ellis.
Albert Ellis (1913 – 2007) là nhà tâm lý học Hoa kỳ, ông được xem là “ông tổ của liệu pháp nhận thức hành vi”. Tuy là một đứa trẻ ốm yếu và mắc bệnh tiểu đường, Ellis giàu nghị lực đã rất nghiêm khắc trong chăm sóc sức khỏe và không cho phép mình bị đánh gục bởi những vấn đề về thể chất hay bệnh tật.
Tự thấy bản thân thuộc về lĩnh vực hỗ trợ con người, Albert Ellis quyết định trở thành nhà tâm lý học. Giai đoạn đầu ông đi theo Phân tâm học vì cho rằng đây là hình thức sâu nhất của tâm lý liệu pháp. Trong quá trình thực hành theo định hướng Phân tâm học, Ellis mất dần niềm tin vào trường phái này vì các tiến triển mang lại cho TC là quá ít và chậm. Qua kinh nghiệm của mình, Ellis cho rằng tiếp cận phân tâm học đôi khi không hiệu quả vì người ta thường trở nên tệ hơn thay vì tốt hơn. Ông tin rằng việc tẩy nhẹ (cathartic work – khái niệm chỉ sự giải phóng cảm xúc trong Phân tâm học) có thể dẫn giúp TC cảm thấy tốt hơn (feeling better), nhưng hiếm khi hỗ trợ họ trở nên tốt hơn (getting better).
Albert Ellis đã tìm kiếm cách tiếp cận khác và thấy rằng TC của ông tiến bộ nhanh hơn khi họ thay đổi những cách suy nghĩ về bản thân mình và về những vấn đề của họ. Ông quan sát bản thân cũng như cách mà ông vượt qua những rào cản tâm lý. Chẳng hạn như việc khắc phục tình trạng rụt rè trước những cô gái, Ellis đã lên kế hoạch trong 1 tháng phải nói chuyện với 100 người nữ tại Bronx Botanical Gardens. Dù ông không kiếm được cuộc hẹn nào theo kế hoạch, những lần gặp gỡ đó đã giúp ông giảm bớt nỗi sợ bị từ chối bởi phụ nữ. Ellis cũng có nỗi sợ quá mức khi nói trước công chúng và ông cũng khắc phục được điều này bằng cách tương tự. Trong quá trình tìm kiếm hướng thực hành tâm lý hiệu quả hơn cùng với chính trải nghiệm của mình, Albert Ellis thuyết phục và khuyến khích thân chủ làm chính những điều họ sợ nhất. Dần dần ông trở nên bao quát, chủ động và định hướng hơn với liệu pháp hành vi cảm xúc hợp lý hướng tới cung cấp cho thân chủ các công cụ để tái cấu trúc lại những suy nghĩ và hành vi của họ. Đầu năm 1955 ông phát triển liệu pháp hành vi cảm xúc hợp lý ( còn gọi là liệu pháp lý trí cảm xúc hành vi – REBT)
Liệu pháp hành vi cảm xúc hợp lý là một trong các liệu pháp nhận thức hành vi ra đời đầu tiên và vẫn giữ được vị thế của mình giữa nhiều cách thức tiếp cận khác trong thực hành tâm lý. REBT có rất nhiều điểm chung với các liệu pháp được định hướng về nhận thức và hành vi ở chỗ nhấn mạnh vào suy nghĩ, phân tích, đánh giá, quyết định và hành động. Những NTV theo định hướng nhận thức hành vi cho rằng con người đóng vai trò chính trong những vấn đề tâm lý của chính họ (bao gồm cả các triệu chứng cụ thể) bằng cách diễn dịch các sự kiện và tình huống. REBT dựa trên giả định rằng nhận thức, cảm xúc, và hành vi gắn bó mật thiết với nhau thông qua mối quan hệ nhân – quả. Vì vậy khi thực hành REBT, cần liên tục nhấn mạnh tất cả ba thể thức này và sự tương tác giữa chúng như một cách tiếp cận tổng hợp (Corey, 2008).
Hướng tiếp cận của liệu pháp REBT có những nét tương đồng với học thuyết Tâm lý học cá nhân của Alfred Adler: phản ứng cảm xúc và lối sống của con người được tạo ra bởi nhận thức và có liên quan với niềm tin căn bản của mỗi cá nhân. Giống như cách tiếp cận Adler, REBT nhấn mạnh vai trò của quan tâm xã hội trong việc quyết định sức khỏe tâm lý. Ngoài ra, thuyết Adler còn có những ảnh hưởng đến REBT như tầm quan trọng của mục tiêu, mục đích, giá trị và ý nghĩa trong sự tồn tại của con người.
Giả thuyết cơ bản của REBT là cảm xúc của chúng ta chủ yếu xuất phát từ niềm tin, thông qua lăng kính đánh giá, diễn giải và hình thành phản ứng của chúng ta với các tình huống cuộc sống. Qua quá trình hỗ trợ tâm lý, TC được cung cấp những kỹ năng, công cụ để xác định và đấu tranh kiểm soát những niềm tin bất hợp lý. Họ học cách làm thế nào để thay thế cách tư duy không hiệu quả này bằng các nhận thức hiệu quả và hợp lý hơn, và kết quả là họ thay đổi các cảm xúc, phản ứng của họ với các tình huống. Quá trình này không chỉ giúp TC áp dụng các nguyên tắc thay đổi của REBT vào một vấn đề cụ thể mà còn vào nhiều vấn đề khác ở hiện tại và cả những vấn đề trong tương lai họ có thể gặp phải.
Tên gọi của REBT là liệu pháp hành vi cảm xúc hợp lý tuy nhiên trọng tâm quá trình hỗ trợ không tập trung vào cảm xúc mà làm việc trực tiếp với suy nghĩ và hành động. Liệu pháp này không chú trọng nhiều đến kỹ thuật liên tưởng tự do, phân tích giấc mơ, khám phá quá khứ hay giúp TC bộc lộ cảm xúc. NTV khi áp dụng REBT đóng vai trò như một người giáo viên, hướng dẫn các cách thức thay đổi suy nghĩ, các chiến lược tư duy hiệu quả. TC là người thực hành những kỹ năng mới vào cuộc sống hàng ngày.
Mô hình ABC
Mô hình ABC (còn gọi là mô hình tái cấu trúc nhận thức) là trung tâm của lý thuyết và thực hành của REBT. Theo Wolfe (2007), mô hình ABC cung cấp cho TC một công cụ hữu ích để tìm hiểu về những ảnh hưởng của sự kiện đến suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của mình. A(Activating event) là sự tồn tại thực tế – một sự kiện đang đã hoặc đang xảy ra, là hành vi hoặc thái độ của một cá nhân bất kỳ. B(Belief) là những niềm tin của TC đối với A. C(Consequence) là hậu quả cảm xúc, hành vi, gọi chung là phản ứng của TC đối với A. Phản ứng đó có thể lành mạnh hoặc không lành mạnh, ta sẽ gọi tên nó là hệ quả (có thể mang tính tích cực (kết quả) hoặc tiêu cực (hậu quả). Qua mô hình ta thấy A (sự kiện kích hoạt) không gây ra C (hệ quả). Thay vào đó, B (niềm tin) của TC về A mới chính là phần lớn nguyên nhân gây ra C (hệ quả).
Albert Ellis đưa ra mô hình này vào thời điểm giữa thế kỷ XX tuy nhiên cần thấy rằng gốc rễ của mô hình này đã được phát hiện từ rất sớm. Ngay từ 2000 năm trước, triết gia Hy Lạp cổ đại – Epictetus đã từng nhận định: ““People are disturbed not by events, but by the views which they take of them” (Mọi người phiền lòng không phải bởi sự kiện, mà bởi cách nhìn nhận những sự kiện đó). Chúng ta dễ dàng kiểm chứng được điều này trong tình huống sếp khiển trách một vài nhân viên trước tập thể vì nhiều lần đi làm trễ. Cùng bị phê bình với lý do giống nhau nhưng nếu nhân viên nghĩ rằng: “sếp muốn mình bị bẽ mặt”, “sếp không phê bình kín là sếp thiếu tế nhị”, “sếp có thành kiến không tốt về mình”… Suy nghĩ, niềm tin như thế sẽ hình thành những cảm xúc và phản ứng khó chịu, không tích cực tiếp thu, né tránh sếp hay buồn bực, làm việc không hiệu quả. Cũng tình huống trên, nếu nhân viên tin rằng: “sếp làm như vậy không phải do tư thù cá nhân mà có thể sếp muốn chấn chỉnh tinh thần làm việc của những nhân viên khác” (nhiều người không được nêu tên cũng hay đi trễ, ảnh hưởng đến văn hóa công ty). Với niềm tin như vậy, nhân viên sẽ không có cảm xúc tiêu cực đối với sếp, không chán nản trong công việc, chủ động nhìn nhận lại bản thân để có thay đổi phù hợp… Có thể thấy những phản ứng cảm xúc, hành vi sau đó của nhân viên không đến từ việc bị sếp phê bình mà đến từ việc diễn giải ý nghĩa của việc bị sếp phê bình – tức niềm tin vào sự kiện chứ không phải bản thân sự kiện. Qua ví dụ trên có thể thấy: Nguyên nhân không bắt đầu từ A(Activating event), mà B (Belief) mới chính là nguyên nhân tác động tạo nên C(Consequence).
Sự tương tác giữa các thành phần trong mô hình ABC được phát triển thành sơ đồ như sau:

Theo mô hình và phân tích ví dụ về việc bị phê bình vì thường xuyên trễ giờ, những cảm xúc và hành vi tiêu cực được nuôi dưỡng bằng những niềm tin “tự đánh bại” có sẵn nơi TC. Đó là những suy nghĩ, niềm tin như: “Tôi thật tệ”, “Tôi luôn bị ghét bỏ/phê bình/chê trách.”, “Sếp không thích tôi”, “Mọi người đều ghét tôi”… Albert Ellis nhấn mạnh rằng: “Bạn chủ yếu cảm thấy những gì bạn nghĩ”. Những phản ứng cảm xúc như trầm cảm, lo âu hình thành và phát triển do hệ thống niềm tin của TC bị hạ thấp và được TC củng cố bằng cách kết hợp, sáng tạo những ý tưởng không hợp lý.
Điểm D(Dispute) là tranh cãi/tranh luận – Đây là bước NTV tham gia tái cấu trúc nhận thức cùng TC. Về cơ bản, nội dung chính ở D là áp dụng các phương pháp để giúp TC thử thách niềm tin bất hợp lý của họ. Quá trình này gồm các thành phần: khám phá, tranh luận và phân biệt. Trước tiên, TC học cách làm thế nào để nhận ra những niềm tin bất hợp lý của họ, cụ thể là những “điều nên làm” và “điều phải làm” mang tính độc đoán của họ (“tôi phải luôn nói “đồng ý” mới có thể tạo được quan hệ thân thiết với đồng nghiệp”, Tôi không được phạm lỗi vì mọi người đang chú ý đến tôi”…); sự “khủng khiếp hóa” – awfulizing (“không kí được hợp đồng tôi sẽ bị đuổi việc”, “mọi người xem tôi như đồ bỏ đi”…) và “tự buông xuôi” – self-downing (tôi không làm được cái này”, “công việc đó quá khó khăn so với năng lực của tôi”…). NTV sẽ tìm hiểu những niềm tin tự động có thể có ở TC dựa trên những phản ứng hành vi hoặc cảm xúc. Sau đó, nhà tham vấn, trị liệu sẽ cùng TC tranh luận về tình hợp lý hay bất thường của những niềm tin này.
Bằng cách đưa ra những câu hỏi, yêu cầu cung cấp bằng chứng, hướng dẫn TC cách thoát khỏi những suy nghĩ không hợp lý và hành động chống lại những suy nghĩ không hợp lý đó, NTV sẽ giúp TC tìm hiểu, phân biệt những niềm tin bất hợp lý (tự đánh bại) và niềm tin hợp lý (tự giúp đỡ), từ đó giúp TC thay đổi suy nghĩ, tập trung vào những niềm tin hợp lý – E (effective belief). Nhìn chung, tái cấu trúc nhận thức được Albert Ellis xem là kỹ thuật trung tâm của liệu pháp nhận thức. Kỹ thuật này giúp TC biết cách giám sát suy nghĩ của chính mình (self-talk), nhận diện được những suy nghĩ kém thích nghi và thay thế những cấu trúc nhận thức tiêu cực bằng những cấu trúc hợp lý, mang tính thích nghi cao hơn (Spiegler, 2008).
Nhiều NTV đã sử dụng ABC kết hợp cùng các kỹ thuật CBT cơ bản và xác định niềm tin, suy nghĩ của TC sẽ tác động đến cảm xúc và hành vi. Họ cho rằng niềm tin hình thành yếu tố cảm xúc mãnh liệt và hành vi kèm theo. Chính cảm xúc và hành vi thể hiện suy nghĩ, niềm tin của TC. Chẳng hạn như khi bị cấp trên phê bình, nếu niềm tin không hợp lý TC sẽ biểu hiện những cảm xúc buồn bã, khó chịu hay tức giận ngay tức thì và có những phản ứng tranh cãi, bỏ việc, sử dụng vũ lực… Khi đó hệ quả chính là TC bị kiểm điểm, trừ lương, đuổi việc… Bằng cách thay đổi tư duy về vấn đề, TC sẽ chủ động điều khiển, ngắt những kiểu mẫu suy nghĩ không phù hợp, không hợp lý và thay thế bằng những hướng suy nghĩ hiệu quả, hình thành những cảm xúc tích cực và có hành vi lành mạnh.
Từ cơ sở tái cấu trúc nhận thức, khi đối mặt với những tình huống tương tự hoặc những tình huống mới, những niềm tin có lợi cho TC sẽ hình thành những cảm xúc mới – F(new Feeling) tích cực hơn (ở C) trước đây. Ví dụ như cảm thấy bực tức vì sếp phê bình công khai hoặc lo lắng về thứ bậc thi đua có thể ảnh hưởng đến việc tăng lương, chán nản nghiêm trọng, không thiết tha gì đến công việc, sau quá trình tranh luận và xây dựng niềm tin mới về sự kiện, nhân viên có thể sẽ thấy buồn và tiếc vì bị trừ điểm thi đua (cảm xúc phù hợp với tình huống) và thực hiện những hành động mang lại hiệu quả hơn trong công việc để xây dựng thương hiệu bản thân.

Xuyên suốt sự nghiệp kể từ sau khi từ giã phân tâm học, Albert Ellis luôn giữ quan điểm rằng mỗi người có khả năng thay đổi đáng kể nhận thức, cảm xúc và hành vi của mình. Chúng ta có thể thực hiện tốt nhất sự thay đổi này bằng cách tránh làm bản thân lo lắng, suy nghĩ tiêu cực về những sự kiện (A), thừa nhận những gì diễn ra ở C hoàn toàn là bị chi phối bởi nhận thức (B –suy nghĩ, niềm tin) chứ không phải từ A và tìm cách thức để kiểm tra, thách thức, loại bỏ những niềm tin không hợp lý về A.
Quá trình tái cấu trúc nhận thức theo phương pháp REBT bao gồm 7 bước sau:
(1) Hoàn toàn thừa nhận rằng chúng ta chịu trách nhiệm phần lớn cho việc tạo ra các vấn đề tình cảm của mình;
(2) Chấp nhận quan điểm rằng chúng ta có khả năng cân bằng cuộc sống của chính mình;
(3) Nhận ra rằng vấn đề tình cảm của mỗi người phần lớn xuất phát từ niềm tin bất hợp lý;
(4) Nhận thức rõ ràng những niềm tin này;
(5) Nhìn thấy giá trị trong việc đấu tranh với những niềm tin bất hợp lý;
(6) Chấp nhận thực tế rằng nếu chúng ta mong đợi thay đổi, chúng ta phải nỗ lực để chống lại niềm tin, cảm xúc và những hành động thiếu hiệu quả.
(7) Cam kết thực hành lâu dài.
Nhiều nghiên cứu cho thấy liệu pháp nhận thức hành vi được áp dụng trong việc giảng dạy kỹ năng sống, kỹ năng xã hội như kỹ năng kiểm soát cơn giận,kỹ năng ra quyết định; kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng giao tiếp…; làm việc với bệnh nhân; những người có các trải nghiệm về rối nhiễu tâm trí như trầm cảm, lo âu, rối loạn ăn uống… (Corey, 2008)
Mô hình ABC nói riêng và phương pháp REBT nói chung là một trong rất nhiều điểm sáng của liệu pháp nhận thức hành vi CBT giúp chúng ta khám phá mối liên hệ giữa nhận thức và hành vi, cụ thể ở đây là tập trung vào thay đổi niềm tin để tạo ra những hệ quả hành vi mang tính tích cực. Nếu gặp các khó khăn về tâm lý hoặc bất lực trước sự kém thích nghi của bản thân đối với cuộc sống, bạn có thể tìm đến những NTV chuyên về CBT để được hướng dẫn, giúp bạn nhìn thấy những suy nghĩ tự động bất hợp lý, cách dừng chúng lại và khám phá những giải pháp thay thế cho những vấn đề bạn đang và có thể sẽ gặp phải.
Tài liệu tham khảo
- Nguyễn Sinh Phúc. (2013). Các trường phái trong tâm lý học lâm sàng. NXB
- 214QG Hà Nội.
- Gerald Corey. (2009). Theory and Practice of Counseling and Psychotherapy (8th ed.). (pp. 6 – 9)
- https://laptrinhx.com/abc-model-by-albert-ellis-3386820427/
- https://thanhbinhpsy.com/lieu-phap-nhan-thuc-hanh-vi-la-gi/
- https://vi.drderamus.com/abc-model-752