John D. Rockefeller sinh năm 1839 tại ngoại ô New York. Năm 1853 ông theo gia đình đến Cleveland mưu sinh. Ông chịu ảnh hưởng nhiều từ mẹ đặc biệt là đức tính tận tâm và tiết kiệm của bà. Sau khi học hết Trung học, John D. Rockefeller tham gia một vài khóa đào tạo kinh doanh ở Trường Thương mại Folsom và kiếm được công việc đầu tiên – nhân viên kế toán cho một cửa hàng thực phẩm khô ở Cleveland với mức lương 4USD/tuần.
Năm 1863, John D. Rockefeller cùng hai cộng sự Clark và Andrews thành lập nhà máy lọc dầu Excelsior Works – đánh dấu sự hiện diện trong ngành công nghiệp lọc dầu. 2 năm sau, nhà máy lọc dầu thứ 2 – Standard Works được thành lập. Khác với lần trước, John D. Rockefeller phải mua toàn bộ cổ phần với số tiền 72.500USD vì những đồng sự không chấp nhận nợ nần để mở rộng kinh doanh.
Từ quản lý một trong những nhà máy lọc dầu lớn nhất Cleveland đến sự phát triển nhanh chóng của Standard Oil (Sáp nhập từ 2 nhà máy Excelsior Works và Standard Works) – kiểm soát 80% ngành công nghiệp lọc dầu ở Cleveland và là khu liên hiệp lọc dầu lớn nhất nước Mỹ, John D. Rockefeller đã để lại nhiều bài học quản lý, điều hành. Một trong những triết lý kinh doanh gắn liền với tên tuổi của ông là: “Không làm những việc có thể giao phó cho người khác”. 3 điểm nổi bật rút ra trong phong cách quản lý của John D. Rockefeller là
- Thiết lập hệ thống hỗ trợ:
Nhà Sử học Ralph và Muriel từng nhận xét: “Đóng góp lớn nhất của Rockefeller, ngoài việc kết hợp Standard Oil, là thuyết phục những người có thế lực tham gia vào khối liên minh và cùng làm việc hiệu quả dưới sự quản lý thống nhất của khối liên minh đó. Nhân viên của Standard Oil có đặc điểm chung là niềm tin và một mối quan hệ mạnh mẽ khiến họ bảo vệ công ty tuyệt đối.
2. Khuyến khích cạnh tranh tích cực
Nếu một doanh nghiệp mà không có sự cạnh tranh thì nó sẽ sớm trở thành một gã khổng lồ chậm chạp. Nhận thức được điều đó, Rockefeller đã thành lập một ủy ban bao gồm nhiều chuyên gia từ các lĩnh vực khác nhau để thiết lập một tiêu chuẩn hoạt động cho tất cả các công ty con của Standard Oil.
Theo đó, họ khuyến khích các công ty con cạnh tranh để đạt được những con số hiệu suất lý tưởng cho doanh nghiệp, để nhận được các giải thưởng có tính chất vinh danh trong khi các nhà lãnh đạo vẫn được trao đổi với nhau các thông tin chi tiết. Các kích thích về việc dẫn đầu sẽ tạo ra một cuộc cạnh tranh tích cực và những thành quả cho mỗi cá nhân.
3. Tôn trọng nhân viên
Rockefeller cho rằng Napoleon Bonaparte sẽ không thành công nếu không có các nguyên soái, theo Chernow. Vậy nên ông tin rằng thành công của mình cùng với Standard Oil bắt nguồn một phần từ khả năng người quản lý truyền được cảm hứng cho nhân viên.
Để có thể duy trì hiệu quả một tập đoàn lớn như Standard Oil Company, Rockefelle luôn kiên trì với quan điểm: “Không làm những việc có thể giao phó cho người khác”. “Ngay khi có thể, hãy nhờ một người mà bạn tin tưởng, đào tạo anh ta, chỉ bảo anh ta cách để giúp công ty kiếm tiền”. Đối với Rockefeller, việc này có nghĩa là không tham gia vào những công việc đã giao phó cho người khác để tập trung cho những quyết định, những chiến lược rộng hơn. Tất nhiên, phát huy được tính hiệu quả của cách thức quản lý này, nhà quản lý cần phải tìm được người có thể tin tưởng cả về năng lực và phẩm chất.
Và để có được sự trung thành của nhân viên, John D. Rockefeller cho phép nhân viên tự chủ trong công việcc. Ông rất lịch sự và dễ tính với nhân viên cấp thấp, không giận dữ khi tiếp nhận chỉ trích và vẫn điềm tĩnh ngay cả trong những tình huống cấp bách. Mặc dù hiếm khi khen ngợi nhân viên nhưng Rockefeller lại thoải mái cho nhân viên sự độc lập và tự do quyết định khi ông nhận thấy họ đáng tin cậy. Vì điều này, các nhân viên của Rockefeller có xu hướng tôn kính ông và luôn cố gắng hết sức mình để làm hài lòng ông”.
Dưới góc nhìn của nhà Sử học Alfred Dupont Chandler: “Tìm hiểu về lịch sử của Standard Oil chính là tìm hiểu về sự hình thành và phát triển của các tập đoàn lớn trong nền kinh tế Mỹ”. John D. Rockefeller mất vào năm 1937 ở tuổi 97. Trong suốt 27 năm quản lý và điều hành (từ 1863 đến 1890) Rockefeller đã thể hiện rõ nét phong cách quản lý dân chủ trong các quyết định kinh doanh của mình. Cùng với năng lực quản lý bản thân, nghiêm khắc với chính mình về quản lý thời gian, tiết kiệm và không ngừng học hỏi, tìm giải pháp cải tiến liên tục… đã giúp ông phát huy những nét nổi bật của phong cách quản lý dân chủ và hạn chế được những nhược điểm của nó trong điều hành tập đoàn lớn, Rõ ràng không thể phủ nhận phong cách quản lý của John D. Rockefeller là bài học đáng quý dành cho các nhà quản lý cũng như những ai muốn tìm hiểu về cách thức vận hành của một trong những tập đoàn lớn đầu tiên trong lịch sử.
Nguồn tư liệu: “Những câu chuyện thành công nổi tiếng nhất của mọi thời đại tập 2”