Hiểu về thiên kiến để hạn chế ảnh hưởng của thiên kiến

Thiên kiến (Bias) hay còn gọi là định kiến (Prejudice) hay thiên kiến xác nhận (Confirmation Bias) là sự thiên lệch trong nhận thức thể hiện ở việc cá nhân ưu tiên cho những thông tin phù hợp với những niềm tin, kinh nghiệm, nhận thức có sẵn của bản thân. Lý do bạn nên quan tâm đến nội dung này là tất cả chúng ta đều mắc phải thiên kiến. Một người dù tự tin mình có tư duy mở, thái độ cầu thị, học hỏi đến mức nào thì đều mang trong mình những thiên kiến nhất định. Vì con người không phải là thực thể tồn tại biệt lập mà được liên kết với nhau bởi rất nhiều ràng buộc, những ràng buộc này tạo nên con người mang tính xã hội và đồng thời cũng tạo ra thiên kiến. Ví dụ: Thiên kiến có thể đến từ đặc điểm giới tính, dân tộc, tôn giáo, văn hóa xã hội… Chẳng hạn như một người sinh ra và lớn lên ở nông thôn – nơi có mối cố kết cộng đồng mạnh mẽ, những đặc điểm về hàng xóm thường tìm đến nhau, chia sẻ giúp đỡ lẫn nhau sẽ  “ghi” vào mỗi cá nhân, tạo thành những dấu ấn quen thuộc. Khi di cư đến thành thị, có thể lối sống khép kín, ít chia sẻ của người thành phố sẽ khiến họ cảm thấy bị lạc lõng và gắn nhãn cho cộng đồng mới là thiếu thân thiện. Ngược lại, một người lớn lên ở thành thị có thể mang thiên kiến rằng người nông thôn là quê mùa, tọc mạch, nhiều chuyện… Như đã nói, thiên kiến không chừa một ai nên việc quan tâm tìm hiểu khái niệm này là điều cần thiết để nhận diện cũng như để biết cách hạn chế ảnh hưởng của thiên kiến trong công việc cũng như cuộc sống hàng ngày.

Theo Bettina J.Casad và J.E. Luebering (2023), thiên kiến được hiểu là xu hướng xử lý thông tin bằng cách tìm kiếm, diễn giải, ghi nhớ thông tin có chọn lọc theo cách phù hợp với niềm tin, kỳ vọng của cá nhân và bỏ qua những dữ liệu không phù hợp với niềm tin đã có. Khi đối diện với những vấn đề liên quan đến bản thân, bị hạn chế về mặt thời gian hoặc những vấn đề quan trọng, quyết định của một người có nhiều khả năng bị ảnh hưởng bởi thiên kiến hơn vì nó cho phép xử lý nhanh chóng, dựa trên kinh nghiệm và tạo cảm giác an toàn cũng như cảm giác về lòng tự trọng. Chẳng hạn trong quản trị nhân sự. Khi nhà lãnh đạo nhận diện một nhân viên nào đó là người có tiềm năng phát triển và cất nhắc họ. Khi nhân viên đó thể hiện năng lực, được ghi nhận – điều này cũng có nghĩa là nhà lãnh đạo đó xứng đáng với cái nhãn “nhà lãnh đạo biết nhìn người”. Đây là một dạng “niềm tin” và nếu cần người phụ trách một dự án mới, nhà lãnh đạo thường nghĩ ngay đến nhân viên nọ mà dễ bỏ qua những ứng viên khác hoặc khi xung quanh nhân viên này có những luồng dư luận trái chiều, nhà lãnh đạo có xu hướng chọn lọc, tin vào những thông tin mang tính tích cực hơn là tiêu cực vì nó ảnh hưởng đến cái nhãn “biết nhìn người” của chính nhà lãnh đạo. Nói cách khác, thiên kiến góp phần bảo vệ cái tôi cá nhân, lòng tự trọng. Thông thường, khi có bất kỳ sự kiện tác động nào làm lung lay niềm tin, những giá trị đã được định hình, cá nhân sẽ có cảm giác khó chịu, cảm thấy tiêu cực về bản thân thậm chí là một số người cực đoan sẽ thấy mình thất bại. Đó là động cơ để mỗi người bỏ qua những thông tin trái chiều cũng như tập trung tìm kiếm những dữ liệu hỗ trợ cho niềm tin hiện có.

Con người có xu hướng bỏ qua những thông tin trái ngược với niềm tin của bản thân

Một dạng thiên kiến về nhận thức liên quan đến cách bản thân nhìn nhận về chính mình có tên là hiệu ứng Dunning – Kruger. Bạn có thể tìm hiểu thêm tại: https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid02mmT98NefppeaKPLbttMrjJLChwNGxmgWLocVQ4t6ESbsKK4LYU8puph6pdxU6ed4l&id=100072040541197

Thiên kiến không chỉ ảnh hưởng đến khuynh hướng thu thập thông tin như đã trình bày ở trên mà còn ảnh hưởng đến cách cá nhân ghi nhớ, tái hiện thông tin cũng như diễn dịch dữ liệu thu được. Chẳng hạn, với hai nhân viên cùng đứng trước thông tin về một đồng nghiệp (nhân viên A) của mình đang bị chậm tiến độ trong kế hoạch công việc nào đó. Đồng nghiệp có mối quan hệ tốt, làm việc ăn ý với nhân viên A có xu hướng diễn giải nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ là do môi trường khách quan, trong khi đồng nghiệp còn lại – người không tương tác tốt với nhân viên A trong những công việc trước đó sẽ có xu hướng nhớ lại những lần hợp tác không ăn ý cùng A, tập trung vào những nguyên nhân chủ quan (liên quan đến năng lực, phẩm chất của A) dẫn đến hiện trạng…

Tác động của thiên kiến: Thiên kiến giúp chúng ta dựa vào kinh nghiệm đã có, tiết kiệm thời gian, nguồn lực trong nhận diện và giải quyết vấn đề, tuy nhiên mặt trái của nó là cản trở chúng ta nhìn thấy nhiều khía cạnh khác của vấn đề, dẫn đến nhìn nhận và ra quyết định phiến diện, thiếu tính khách quan. Và trong nhiều trường hợp, đặc biệt trong bối cảnh nhiều thay đổi không lường trước được, chính thiên kiến là nguyên nhân đưa đến những quyết định kém hiệu quả, thậm chí là sai lầm.

“Bệnh nghề nghiệp” là một cụm từ nhắc nhở chúng ta nên cẩn thận với thiên kiến. Gray (2011) trong tác phẩm “Psychology” đã đưa ra ví dụ thiên kiến có thể ảnh hưởng lên chẩn đoán của bác sĩ. Khi một bác sĩ dựa vào chuyên môn và kinh nghiệm đặt giả thuyết về triệu chứng/căn bệnh mà bệnh nhân đang mắc phải, họ có xu hướng đặt những câu hỏi, tìm kiếm các bằng chứng để củng cố giả thuyết đã đặt ra. Điều này có thể dẫn đến những chẩn đoán sai lầm vì rất có thể bác sĩ sẽ bỏ qua những triệu chứng tạm lắng (không xuất hiện ở thời điểm thăm khám), bên cạnh đó cũng có những căn bệnh khác nhau có cùng triệu chứng được quan sát. Do đó, một cách để hạn chế thiên kiến trong lâm sàng là dùng suy luận quy nạp thay vì đặt giả thuyết để hạn chế sự ảnh hưởng của thiên kiến. Ngoài ra, một bác sĩ giỏi còn được thể hiện ở cách họ tự kiểm tra lại giả thuyết của mình bằng cách tìm kiếm những bằng chứng chống lại giả thuyết đó. Một ví dụ tương tự cách làm này của các bác sĩ trong hành pháp mà chúng ta có thể tìm hiểu thêm: Trong khi luật sư là người bảo vệ bị cáo thì công tố viên (ở Việt Nam là kiểm sát viên) sẽ là người tìm kiếm các bằng chứng buộc tội bị cáo. Việc xác định có hay không tội trạng của một người không phải là đi tìm bằng chứng chứng minh sự trong sạch mà phải bắt đầu bằng giả thuyết rằng người đó có tội và tìm cách bác bỏ giả thuyết này để kết quả cuối cùng nếu cá nhân trong sạch, tòa án sẽ phát quyết rằng “tội danh không thành lập” đối với bị cáo.

Thiên kiến tồn tại trong mỗi người ở nhiều vấn đề khác nhau. Để hạn chế ảnh hưởng của thiên kiến, chúng ta cần nhận diện được điều gì đã làm nên những “lối mòn” trong tư duy, định hướng cách chúng ta nghĩ về vấn đề và học cách nhìn mọi việc xảy đến theo góc nhìn khác. Một trong những kỹ thuật giúp bạn duy trì khoảng cách với thiên kiến là trả lời 2 câu hỏi:

  • Nếu tôi là A (một người khác từng thành công trong vấn đề tương tự/người mà tôi ngưỡng mộ/người hay có quan điểm bất đồng với tôi…) tôi sẽ làm gì?
  • Nguyên nhân nào quyết định/dẫn đến điều đó?

Việc trả lời hai câu hỏi trong kỹ thuật trên chính là một trong những cách thu hẹp góc mù của “Cửa sổ Johari”. Góc mù lớn là do mỗi người tự hài lòng với những gì mình biết và lờ đi những gì mình không biết (trong khi người khác biết). Không chủ động thu hẹp góc mù trong khi sự thay đổi kéo theo nhiều vấn đề mới mẻ khiến chúng ta “không thấy” và “không biết”, điều đó khiến chúng ta xử lý vấn đề dựa nhiều vào kinh nghiệm, bài xích những ý kiến trái chiều và trở nên cố chấp. Tóm lại, thu thu hẹp góc mù là một trong những cách hạn chế ảnh hưởng của thiên kiến cũng như để phát triển bản thân thông qua chủ động chia sẻ, thách thức bản thân ở vai trò khác, ở những góc nhìn mới một cách thường xuyên.

Một cách khác để chống lại thiên kiến là rèn luyện phản tư. Trong “Dụ ngôn hang động”, Plato chỉ ra rằng những gì con người nhìn thấy sẽ ảnh hướng đến định hình của họ về thế giới. Theo đó, con người tin vào những cái bóng của sự vật mà họ nhìn thấy, cho rằng đó là thế giới mà không biết rằng thực tế khác xa với những gì họ nhìn thấy. Một khi cho rằng suy nghĩ của bản thân là đúng đắn, mang tính logic, con người có xu hướng gắn nhãn những ý kiến thuận với quan điểm của mình cũng đúng đồng thời những ý kiến ngược lại là sai lầm. Thực tế những gì chúng ta nghĩ là logic chưa hẳn đã là sự thật vì đó là logic mang tính cá nhân, người khác cũng nhìn nhận vấn đề theo logic riêng của họ. Phản tư chính là đặt bản thân ra ngoài quan điểm của mình về vấn đề và tìm kiếm sự phi logic, tự phản biện lại quan điểm của chính mình để khám phá nhiều cách nhìn nhận, nhiều khía cạnh khác nhau của vấn đề. Theo cách này, tính logic trong quan điểm cá nhân sẽ được kiểm soát; thay vì tập trung bảo vệ cái mình cho là đúng, cá nhân sẽ cần đóng vai trò người quan sát, nhìn nhận và phản biện lại chính mình bằng những tìm hiểu thêm những thông tin mới và tự hỏi “điều này có thể sai ở đâu?” để nhìn vấn đề bao quát hơn như đang nhìn hai mặt của một bàn tay một cách linh hoạt.

Bạn có thể tìm hiểu thêm về thiên kiến qua video sau:

#Tamlylanhdao

Tài liệu tham khảo:

Casad, B. J. and Luebering, . J.E. (2023, June 21). confirmation biasEncyclopedia Britannica. https://www.britannica.com/science/confirmation-bias

Sanderson, C. A. (2009). Social psychology. John Wiley & Sons

https://trangtamly.blog/2020/10/19/thien-kien-xac-nhan-confirmation-bias-trong-tam-ly-hoc/

https://www.verywellmind.com/what-is-a-confirmation-bias-2795024

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *