Bởi Quản Trị | 08/23/2021
Chỉ sau 2 ngày áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trên toàn địa bàn (9 – 11/7/2021) thành phố Hồ Chí Minh đã lập biên bản xử lý 203 trường hợp vi phạm với tổng số tiền phạt gần 400 triệu đồng. Trước khi thành phố bắt đầu có những xử phạt nghiêm như vậy, đã có rất nhiều người không đeo khẩu trang hoặc đeo khẩu trang không đúng quy định, đi ra ngoài với nhiều lý do không chính đáng, thâm chí đạp xe ra công viên chỉ để ngồi hút thuốc. Trong bài viết này chúng ta không nói về khía cạnh vô ý thức hay xem thường pháp luật, chúng ta sẽ tìm hiểu về một khái niệm có tên “phản kháng tâm lý” (Reactance).
Phản kháng tâm lý là điều đã và đang xảy ra với hầu hết chúng ta. Khi bạn dự định làm gì đó thì có người đề nghị hoặc sai bảo bạn. Dù yêu cầu của họ chính xác là việc bạn vừa định làm nhưng ngay lập tức bạn khó chịu và chẳng còn thích hay muốn làm điều đó nữa. Bạn đang có sự phản kháng đấy!

Hiệu ứng Reactance được nhà tâm lý học Jack Brehm nghiên cứu và đặt tên năm 1966. Đây là động cơ tâm lý khiến bạn bị ức chế, khó chịu thậm chí là tức giận khi cảm thấy quyền tự do hành động theo ý muốn đang bị đe dọa. Sự đe dọa đó có thể là quy tắc, yêu cầu, đề nghị hay chỉ là lời nhắc nhở của ai đó.
Bắt đầu từ khủng hoảng tuổi lên ba trở về sau, con người luôn ý thức được rằng họ là một thực thể tồn tại độc lập, họ luôn tin rằng họ được quyền tự do trong mọi quyết định của mình. Vấn đề của một đứa trẻ sẽ đơn giản là quay ngược mũ lưỡi trai ra sau hay chọn cái đầm màu cam thay vì màu hồng mẹ muốn. Hoặc nó sẽ khóc lóc, giãy đạp rồi ngừng lại và vẫn làm theo yêu cầu trong ấm ức.
Với người lớn mọi thứ sẽ phức tạp hơn. Khi niềm tin về sự tự do của bản thân bị thách thức, bị đe dọa hoặc lung lay chúng ta sẽ cố gắng nhiều hơn là khó chịu hay tức giận, thậm chí chúng ta lựa chọn giải pháp tiêu cực, bất chấp mọi thứ để giành thế chủ động, giành lấy quyền quyết định về tay mình. Ai cũng xin lỗi, nhận thấy mình sai và ngậm ngùi đóng tiền phạt khi nhận quyết định xử lý hành chính nhưng trước đó họ không cảm thấy mình sai, tâm lý phản kháng thúc đẩy họ hành động để bảo vệ quyền tự do cá nhân. Đó là lý do vì sao có người lớn chống người thi hành công vụ còn trẻ em thì không.
Từ Reactance chúng ta sẽ tìm hiểu đến Reverse Psychology – Tâm lý học nghịch đảo. Đây là một thủ thuật tâm lý lợi dụng hiệu ứng phản kháng tâm lý để thao túng hành động của người khác. Hiểu đơn giản, Tâm lý học nghịch đảo là thủ thuật tâm lý khiến ai đó nghe hoặc hành động theo điều bạn muốn bằng cách gợi ý hay thuyết phục họ điều ngược lại hoàn toàn với điều bạn muốn.

Hiểu về phản kháng tâm lý và tâm lý học nghịch đảo, bạn sẽ có những tác động hiệu quả để người khác làm điều bạn muốn mà không khiến họ cảm thấy đang bị yêu cầu hay mất tự do. Cần lưu ý rằng mức độ phản kháng tâm lý ở mỗi người là khác nhau và với những người có nhân cách lệ thuộc (bị động, thường bị dẫn dắt hoặc mong đợi sự dẫn dắt từ người khác) hãy đề nghị hoặc nêu quan điểm một cách thẳng thắn thay vì sử dụng thủ thuật tâm lý học nghịch đảo với họ. Khả năng quan sát và thời gian tiếp xúc và yếu tố quan trọng giúp bạn quyết định chính xác đối tượng phù hợp để áp dụng thủ thuật này. Và đừng bao giờ quên, “sự thao túng” có chừng mực giúp bạn trở thành bậc thầy trong thuyết phục nhưng nếu đi quá giới hạn nó sẽ biến bạn trở thành kẻ xấu. Hãy cẩn thận và xác định đúng ranh giới nhé!
CNM.vn