Tiếp cận các lý thuyết về lãnh đạo trong xu hướng hiện nay cho rằng không có phong cách lãnh đạo nào là tối ưu vì mỗi phong cách yêu cầu những yếu tố khác nhau để vận hành hiệu quả. Nhà lãnh đạo cần biết linh hoạt, xem xét quá trình phát triển của tổ chức trong mối tương quan với sự phát triển của nhân viên ở mỗi tình huống, giai đoạn cụ thể, từ đó biết áp dụng phong cách lãnh đạo phù hợp nhằm thực hiện mục tiêu kép: đạt được mục tiêu công việc đồng thời với phát triển nguồn nhân lực cho tổ chức. Vậy muốn áp dụng phong cách lãnh đạo dân chủ, bạn cần lưu ý điều gì?
Khi tìm hiểu về mô hình lãnh đạo SLII, hẳn bạn đã biết với phong cách lãnh đạo dân chủ (hay còn gọi là phong cách lãnh đạo có sự tham gia hoặc phong cách lãnh đạo hợp tác): nhà lãnh đạo cần biết cách phân chia một số quyền lực quản lý của mình, tranh thủ ý kiến cấp dưới, đưa nhân viên tham gia vào việc khởi thảo các quyết định. Bên cạnh đó, cần nắm được đặc điểm của nhân viên để ủy quyền, giao việc đảm bảo nằm trong năng lực có thể hoàn thành được. Để phong cách lãnh đạo phát huy hiệu quả, cần đảm bảo được hai điều kiện sau:
Điều kiện chủ quan để phong cách lãnh đạo dân chủ phát huy hiệu quả (về phía người lãnh đạo):
– Hiểu rõ ưu và nhược điểm của phong cách lãnh đạo dân chủ cũng như tính cách bản thân.
– Biết cách lựa chọn phương pháp lãnh đạo bổ sung trong quá trình điều hành tổ chức.
– Luôn học hỏi, trau dồi về các kiến thức chuyên môn, năng lực quản trị và phẩm chất đạo đức.

Điều kiện khách quan để phong cách lãnh đạo dân chủ phát huy hiệu quả (về phía tập thể, nhân viên):
– Có trình độ chuyên môn phù hợp với công việc.
– Có tinh thần cầu tiến, hợp tác và có trách nhiệm.
– Giai đoạn tập thể phát triển cao: Tập thể có bầu không khí tâm lý thoải mái, có tinh thần đoàn kết, có khả năng tự quản, tự giác cao.
– Tính chất đặc trưng của các công việc yêu cầu tính sáng tạo, tự chủ cao: quảng cáo, marketing, thiết kế…
– Cơ sở vật chất: Có sự tiến bộ trong công tác quản lý công việc và quản lý nhân sự (máy móc, phương tiện đi lại, mạng internet…).
Một ví dụ giúp bạn hình dung về phong cách lãnh đạo dân chủ:
John D. Rockefeller là người sáng lập tập đoàn Standard Oil – một tập đoàn lớn trong nền kinh tế Mỹ. Trong suốt 27 năm quản lý và điều hành (từ 1863 đến 1890) Rockefeller đã thể hiện rõ nét phong cách quản lý dân chủ trong các quyết định kinh doanh của mình. Cùng với năng lực quản lý bản thân, nghiêm khắc với chính mình về quản lý thời gian, tiết kiệm và không ngừng học hỏi, tìm giải pháp cải tiến liên tục… đã giúp ông phát huy những nét nổi bật của phong cách quản lý dân chủ và hạn chế được những nhược điểm của nó trong điều hành tập đoàn lớn.
Nhà Sử học Ralph và Muriel từng nhận xét: “Đóng góp lớn nhất của Rockefeller, ngoài việc kết hợp Standard Oil, là thuyết phục những người có thế lực tham gia vào khối liên minh và cùng làm việc hiệu quả dưới sự quản lý thống nhất của khối liên minh đó. Nhân viên của Standard Oil có đặc điểm chung là niềm tin và một mối quan hệ mạnh mẽ khiến họ bảo vệ công ty tuyệt đối.
Nếu một doanh nghiệp mà không có sự cạnh tranh thì nó sẽ sớm trở thành một gã khổng lồ chậm chạp. Nhận thức được điều đó, Rockefeller đã thành lập một ủy ban bao gồm nhiều chuyên gia từ các lĩnh vực khác nhau để thiết lập một tiêu chuẩn hoạt động cho tất cả các công ty con của Standard Oil. Ông khuyến khích các công ty con cạnh tranh để đạt được những con số hiệu suất lý tưởng cho doanh nghiệp, để nhận được các giải thưởng có tính chất vinh danh trong khi các nhà lãnh đạo vẫn được trao đổi với nhau các thông tin chi tiết. Các kích thích về việc dẫn đầu sẽ tạo ra một cuộc cạnh tranh tích cực và những thành quả cho mỗi cá nhân.

Rockefeller cho rằng Napoleon Bonaparte sẽ không thành công nếu không có các nguyên soái, theo Chernow. Vậy nên ông tin rằng thành công của mình cùng với Standard Oil bắt nguồn một phần từ khả năng người quản lý truyền được cảm hứng cho nhân viên. Để có thể duy trì hiệu quả một tập đoàn lớn như Standard Oil Company, Rockefelle luôn kiên trì với quan điểm: “Không làm những việc có thể giao phó cho người khác”. “Ngay khi có thể, hãy nhờ một người mà bạn tin tưởng, đào tạo anh ta, chỉ bảo anh ta cách để giúp công ty kiếm tiền”. Đối với Rockefeller, việc này có nghĩa là không tham gia vào những công việc đã giao phó cho người khác để tập trung cho những quyết định, những chiến lược rộng hơn. Tất nhiên, phát huy được tính hiệu quả của cách thức quản lý này, nhà quản lý cần phải tìm được người có thể tin tưởng cả về năng lực và phẩm chất.
Để có được sự trung thành của nhân viên, John D. Rockefeller cho phép nhân viên tự chủ trong công việc. Ông rất lịch sự và dễ tính với nhân viên cấp thấp, không giận dữ khi tiếp nhận chỉ trích và vẫn điềm tĩnh ngay cả trong những tình huống cấp bách. Mặc dù hiếm khi khen ngợi nhân viên nhưng Rockefeller lại thoải mái cho nhân viên sự độc lập và tự do quyết định khi ông nhận thấy họ đáng tin cậy.
Nhìn chung, phong cách lãnh đạo dân chủ sẽ giúp người lãnh đạo phát huy được năng lực và trí tuệ của tập thể, phát huy được tính sáng tạo của cấp dưới; quyết định của người lãnh đạo được cấp dưới tin tưởng và tự nguyện làm theo. Tuy nhiên cần lưu ý rằng hiệu quả của phong cách này phụ thuộc rất nhiều vào trình độ phát triển của tập thể chứ không chỉ dựa vào năng lực lãnh đạo. Khi sử dụng phong cách này, người lãnh đạo cần lường trước được những thách thức như: có thể tốn khá nhiều thời gian để ra được một quyết định, khó đi đến thống nhất ý kiến trong một số vấn đề cụ thể. Ngoài ra, chất lượng của các quyết định tập thể cũng là một vấn đề cần lãnh đạo quan tâm xem xét.
#Tamlylanhdao