Ở phần trước, chúng ta đã tìm hiểu về 7 nguyên tắc lãnh đạo của Martin Luther King. Trong phần tiếp theo, chúng ta sẽ tiếp tục tìm hiểu về những nguyên tắc – kim chỉ nam xuyên suốt chặng đường hoạt động nhân quyền của vị mục sư người Mỹ gốc Phi đáng kính này.
8.Thiết lập các mục tiêu và tạo ra một kế hoạch hành động chi tiết
Martin Luther King duy trì sự tập trung vào mục tiêu, ông sử dụng các mục tiêu để khuyến khích hành động, hỗ trợ việc ra quyết định và tạo ra mục đích. Có 7 điểm cần nhớ khi thiết lập mục tiêu:
– Một nhà lãnh đạo khôn ngoan lên kế hoạch trước khi hành động
– Các mục tiêu và kế hoạch chi tiết làm cho quá trình thay đổi trở nên dễ dàng
– Các kế hoạch phải tính đến cả sự kháng cự và đối lập
– Một kế hoạch chi tiết rất cần thiết để hướng công chúng vào đúng hướng
– Các mục tiêu gắn kết mọi người
– Các mục tiêu động viên mọi người
– Các mục tiêu khuyến khích hành động
Martin Luther King Jr. nói: “Người xấu có âm mưu, người tốt phải có kế hoạch. Người xấu đốt phá và ném bom, người tốt phải xây dựng và gắn kết”.
9. Quyết đoán
Cách các nhà lãnh đạo tiến tới việc ra quyết định rất quan trọng. King là người cẩn thận và có phương pháp khi tiến gần tới việc đưa ra quyết định. Ông từng nói: “Tôi sống với mối quan tâm sâu sắc là liệu có phải tôi đang ra quyết định đúng hay không? Đôi khi tôi không dám chắc”. Ông thường dành thời gian để xem xét tất cả các lựa chọn và thảo luận những quyết định quan trọng với nhóm của mình. “Rốt cuộc, một nhà lãnh đạo thực sự không phải là người tìm kiếm sự nhất trí, mà là một người tạo ra sự nhất trí. Tôi thích là người thuyết phục hơn là một người tuân theo”.

10. Đào tạo người khác
Martin Luther King có sự tập trung cao độ vào việc dạy và đào tạo mọi người. Cứu mọi người khỏi đầm lầy của sự truyền bá là một trong những mục đích hàng đầu của việc giáo dục – để phân biệt cái đúng từ cái sai, cái thực và cái không thực, thực tế và ảo tưởng… Nếu một cá nhân không thể nghĩ một cách có phê bình, anh ta không thể được giáo dục thực sự. Sự thông minh không đủ. “Sự thông minh cộng với tính cách – đó là mục tiêu của việc giáo dục thực sự”.
11. Hoà hợp với mọi người
Martin Luther King yêu quý và quan tâm đến mọi người, ông không bao giờ quá bận và luôn luôn sẵn sàng để nói chuyện với bất kỳ ai. Khi Martin hoà hợp với quần chúng, mọi người sẽ hiểu một cách đúng đắn rằng ông là một phần của đám đông, ông là một trong số họ, không phải là một vị vua chúa ngồi trên tháp ngà…Giành được kết quả trong vai trò lãnh đạo tỷ lệ thuận với sự sẵn sàng và khả năng liên lạc với mọi người của nhà lãnh đạo.
12. Hiểu được bản chất con người
Nói chung, khả năng của lãnh đạo để hiểu bản chất con người tỷ lệ thuận với mức độ hiệu quả của họ. Biết mọi người sẽ phản ứng thế nào trong một tình huống cho trước, họ có thể được truyền cảm hứng và động viên như thế nào và họ sẽ cư xử thế nào thì đó cũng là kỹ năng quan trọng cho việc lãnh đạo hiệu quả.
13. Hy vọng và đồng cảm
Martin Luther King lãnh đạo phong trào đòi quyền công dân dựa trên hy vọng. Ông quan tâm đến mọi người, hiểu khát vọng và thể hiện sự đồng cảm. Mọi người sẽ không đi theo nhà lãnh đạo mà không quan tâm đến giá trị, mong muốn, nhu cầu, hy vọng và khát vọng của những người trong tổ chức.”Chúng ta phải chấp nhận sự thất vọng rõ ràng, nhưng chúng ta không bao giờ để mất hy vọng, bởi vì khi bạn để mất hy vọng, bạn đã chết” – Martin Luther King nói.
14. Lòng can đảm
King đã phải trải qua 40 lần bị ám sát, ông phải chịu đựng các cuộc tấn công cá nhân và các bài đả kích căm thù. Có lẽ, điều tốt nhất mà một nhà lãnh đạo có thể làm là liên tục hướng về phía trước. Sau tất cả những cố gắng, họ có quyền tin rằng đa số mọi người mà họ đại diện sẽ thừa nhận sự đóng góp của họ. Và về lâu dài, mọi người sẽ đánh giá những lãnh đạo như thế vì những thành tích của họ chứ không phải vì những điều người khác nói về họ… Cuối cùng, lòng can đảm để lãnh đạo nghĩa là chịu trách nhiệm cho những điều bạn tin và hành động, tiếp tục cố gắng để làm những việc đúng đắn dù bạn biết bạn có thể sẽ bị tấn công vì điều đó.
15. Truyền cảm hứng

Các nhà lãnh đạo đưa ra tầm nhìn và truyền cảm hứng để mọi người tham gia. Những tầm nhìn hiệu quả mang lại hoàn cảnh, đưa ra mục tiêu và thiết lập ý nghĩa. Họ truyền cho mọi người cảm hứng để trở nên năng động, hành động và chuyển động đúng hướng. Mọi nhà lãnh đạo giỏi đều nhận ra rằng những tầm nhìn hiệu quả không thể áp đặt cho đám đông. Chúng phải được thiết lập bằng sự thuyết phục và truyền cảm hứng. King chia sẻ: “Một cuộc vận động được dẫn dắt bằng ý tưởng mà nó tượng trưng. Vai trò của lãnh đạo là hướng dẫn và đưa ra định hướng và nền móng cho cuộc vận động. Đó là điều mà tôi cố gắng làm trong cuộc đấu tranh này”.
Ngày 4-4-1968, Martin Luther King bị ám sát tại khách sạn Lorraine. Ông qua đời ở tuổi 39 để lại dang dở sự kiện lãnh đạo cuộc diễu hành ủng hộ Liên đoàn công nhân vệ sinh da màu tại Memphis. Vụ ám sát Martin Luther King đã dấy lên hoạt loạt cuộc bạo động trên khắp Hoa Kỳ. 3 Ngày sau cái chết của King, Tổng thống Lyndon Johnson đã tuyên bố tổ chức quốc tang cho ông. Tang lễ của Martin Luther King đã thu hút hàng trăm nghìn người đến dự tại Atlanta. Dù sự nghiệp phải dừng khi còn rất trẻ, Martin Luther King đã để lại một di sản đồ sộ về nhân quyền và những bài học về lãnh đạo bất bạo động vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày nay.
Tamlylanhdao.com